Nghị luận xã hội về sự trả thù – Ngữ văn 12 – hoctotnguvan.vn
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về sự trả thù
Đề bài
Khi bạn trả thù một người, bạn sẽ làm chính mình đau hơn là làm người đó đau.
Hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày quan điểm của anh (chị) về vấn đề trên.
Hướng dẫn làm bài
Đề bài yêu cầu thí sinh giải thích, bình luận về tác hại của sự trả thù đối với chính người trả thù. cần trả lời được các câu hỏi cơ bản: Thế nào là trả thù? Vì sao người ta muốn trả thù? Tác hại của sự trả thù? Tại sao khỉ trả thù một người thì chính mình lại đau hơn? Tình trạng trả thù trong giới trẻ hiện nay? Có thể ngăn chặn được sự trả thù hay không? Làm thế nào để hoá giải sự thù hận?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Trong cuộc sống không tránh khỏi có những lúc con người làm tổn thương nhau. Để xoa dịu và làm lành vết thương cũng như thoả mãn lòng tự ái, một trong những cách người ta thường làm là trả thù. Vậy trả thù có làm lành vết thương cho con người? Phải chăng khi trả thù một người, chúng ta sẽ làm chính mình đau hơn là làm người đó đau?
– Trả thù là hành động làm cho người đã xúc phạm, gây hại cho mình hoặc người thân của mình phải chịu điều tương xứng với những gì người ấy đã gây ra. Sự trả thù có nhiều mức độ và hình thức: từ cách nguyền rủa, chửi bói, cư xử thô lỗ cho đến hành động xô xát, hành hung, chém giết,…
– Về cơ bản, câu nói “Khi bạn trả thù một người, bạn sẽ làm chính mình đau hơn là làm người đó đau” là một nhận định đúng. Từ đau ở đây không chỉ có nghĩa là đau về thể xác mà còn là nỗi đau về mặt tinh thần. Câu nói trên muốn khẳng định: Không phải kẻ bị trừng phạt mà chính người trừng phạt mới là kẻ chịu nhiều đau khổ, mất mát nhất. Albert Schweitzer có một cách ví von rất hình ảnh về quan điểm trên như sau: “Trả thù như một tảng đá đang lăn mà nếu anh đẩy lên đồi thì nó sẽ quay trở lại với vận tốc lớn hơn, và sẽ đập gãy chính những xương cốt đã tiếp lực cho nó”.
– Trả thù là phản ứng tự nhiên của con người. Ý muốn trả thù có thể mang lại cho chủ thể của nó cảm giác nguôi ngoai. Nuôi dưỡng ý định trả thù có thể bảo vệ con người khỏi bị tổn thương trong các mối quan hệ mới. Sự trả thù cũng có thể là lá chắn bảo vệ con người khỏi những kí ức đau thương. Nhưng đó chỉ là những cảm giác thoáng qua, bề ngoài, về bản chất và lâu dài, sự trả thù mang lại cho con người những hậu quả nghiêm trọng.
– Trả thù ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tinh thần và nhân cách của con người: trạng thái buồn bực, oán hận có thể khiến người muốn trả thù mắc nhiều bệnh tật như tim mạch, thần kinh, huyết áp… Khi ai đó luôn nhớ về nỗi đau trong quá khứ, nguyền rủa người hại mình, tìm cách bắt kẻ đó phải bị trừng phạt thì sự thù hận luôn ám ảnh, chiếm hết thời gian và lấy đi năng lượng sống của chính họ. Làm sao người có ý định trả thù có thể cảm thấy an vui, hạnh phúc khi trong lòng chất chứa hận thù? Hơn nữa, một khi ai trong chúng ta chủ ý bắt người khác phải chịu đựng mọi đau đớn như họ đã gây ra thì trái tim người đó hoặc đã nguội lạnh, hoặc sẽ bị dằn vặt, giày vò mãi mãi.
– Trả thù ảnh hưởng xấu đến lí tưởng, sự nghiệp, hoài bão: Bởi vì, luôn phải quan tâm quá nhiều đến kế hoạch trả thù nên người có ý định trả thù có thể sao nhãng công việc, lơ là chí hướng, bỏ bê sự nghiệp. Hơn nữa, khi người có ý định trả thù tìm mọi cách để trút cơn giận, rất dễ hành động liều lĩnh, thiếu kiểm soát dẫn đến phạm pháp, nguy cơ đi vào con đường tù tội rất cao.
– Trả thù người khác, người có ý định trả thù có nguy cơ sẽ phải nhận sự trả thù lại, tàn khốc, dữ dội và nguy hiểm hơn. Ngạn ngữ có câu: “Trước khi bắt đầu cuộc hành trình trả thù, hãy đào hai ngôi mộ”. Trả thù gọi trả thù. Một vụ giết người thường dẫn đến một, thậm chí nhiều vụ giết người khác. Trên thế giới, các cuộc chiến trả thù vì lí do tôn giáo, sắc tộc diễn ra liên miên, lòng hận thù đang phá huỷ hầu hết các nền văn hoá. Đó là một vòng luẩn quẩn: Lấy oán báo oán, oán thêm chồng chất.
– Do chịu nhiều tác động từ môi trường văn hoá, xã hội, một bộ phận giới trẻ hiện nay thường rất dễ nổi nóng, sẵn sàng trả thù vì những lí do nhỏ nhặt. Đôi khi, họ bất ngờ lao vào đâm chém nhau chỉ vì bị đối phương “nhìn đểu”. Các cuộc trả thù cứ thế tiếp diễn gây nên những kết cục thương tâm và những hệ luỵ lâu đài.
– Khi bị xúc phạm, đe doạ, làm hại hoặc bị đối xử bất công thì chúng ta cần làm gì? Có nên phản ứng không, phản ứng thế nào cho phải? Khi bị tấn công, chúng ta có quyền tự vệ; khi tài sản bị xâm hại, chúng ta có thể gọi cảnh sát; nếu bị đe doạ, đối xử bất công, có thể nhờ chính quyền can thiệp; khi bị xúc phạm danh dự, chúng ta có thể cần đến sự ủng hộ của những người xung quanh,… Không nên vì từ bỏ ý muốn trả thù mà làm ngơ trước cái ác hoặc bỏ qua tội phạm. Tuy nhiên, để không mắc sai lầm, chúng ta đều phải sống và hành động theo pháp luật.
– Hãy lấy điều thiện để thắng điều ác. Hãy hoá giải mối thù bằng lòng vị tha để con người không bị cuốn vào vòng xoáy thù hận không lối thoát. Nói như Thomas Fuller, nếu có sự trả thù thì “Sự trả thù cao quý nhất chính là tha thứ”. Nhưng nếu không thể tha thứ kẻ đã làm “đau” mình thì chí ít hãy yêu thương chính bản thân mình, đừng vì sự trả thù mà làm cho cuộc sống của mình trở nên bất an và bế tắc. Hãy lấy ước mơ, hoài bão, công việc, sự nghiệp của mình làm trọng. Hãy yêu thương con người và cuộc đời nhiều hon, bởi vì trong tình yêu thương “không ghi nhớ việc ác”.
Theo hoctotnguvan.vn