Phân tích ý nghĩa khuynh hướng sử thi trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Hướng dẫn
Phân tích ý nghĩa khuynh hướng sử thi trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
5 (100%) 1 đánh giá
Bài làm
Nguyễn Trung Thành là nhà văn có thời gian gắn bó lâu dài với vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Ông giống như một người con nơi đây, thấu hiểu được những gian nan, vất vả của con người cũng như vẻ đẹp thiên nhiên hoang dại của núi rừng. Một trong những tác phẩm thành công nhất của ông viết về vùng đất Tây Nguyên đó chính là “ Rừng xà nu ”. Truyện ngắn mang đậm chất sử thi đã miêu tả được vẻ đẹp của xà nu cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm, bất khuất của người dân nơi đây thời kháng chiến chống Mĩ ác liệt.
Trước tiên ta hiểu sử thi nó giống như một loại văn tự sự nhưng mang vẻ hoành tráng, oai hùng, ca ngợi những con người dũng cảm chiến đấu, đại diện cho cả một cộng đồng, một dân tộc. Ở tác phẩm “ Rừng xà nu” khuynh hướng sử thi được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, từ cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả tính cách nhân vật cho đến giọng điệu, nghệ thuật dùng trong tác phẩm.
Thứ nhất, khuynh hướng sử thi thể hiện ở đề tài, cốt truyện cũng như cách dùng từ của tác giả. Truyện ngắn xoay quanh cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân làng Xô Man và người dân Tây Nguyên. Nhưng khác với các tác phẩm khác viết về chiến tranh, Nguyễn Trung Thành đã lựa chọn cách dẫn dắt cốt truyện qua lời kể của một già làng. Mọi người cùng quây quần ngồi bên bếp lửa nhà ưng, chăm chú nghe kể truyện, không khí thật trang trọng và thiêng liêng. Tác giả cũng lựa chọn những ngôn ngữ, hình ảnh bình dị với người dân Tây Nguyên mang đậm chất sử thi để kể truyện “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe”. Những truyền thống tốt đẹp được dân làng truyền từ đời này qua đời khác qua lời kể của các già làng như lời nhắc nhở thế hệ đi sau phải luôn tiếp bước thế hệ anh cha đi trước.
Thứ hai, ta có thể thấy được vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của rừng xà nu cũng như mảnh đất Tây Nguyên mang đậm chất sử thi. Từ đầu truyện ngắn cho đến khi kết thúc, ta có thể thấy được hình ảnh cây xà nu xuất hiện một cách xuyên suốt. Nó tham gia vào mọi hoạt động của dân làng từ việc “dẫn cả dân làng đi vào rừng sâu lấy giáo mác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy”, rồi đến việc chứng kiến bàn tay của Tnú bị giặc đốt khiến dân làng mở cuộc nổi dậy chống lại bọn giặc Mĩ. Chẳng những vậy, mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày của dân làng đều có sự góp mặt của cây xà nu: lửa xà nu cháy bập bùng trong nhà ưng tập trung cả dân làng để nghe cụ Mết kể về cuộc đời Tnú. Khói xà nu đen nhẻm thân hình lũ trẻ; khói xà nu còn làm tấm bảng đen cho anh Quyết dạy Tnú và Mai học chữ cụ Hồ”. Có thể nói hình ảnh cây xà nu chính là biểu tượng của dân làng Xô Man. Những đau thương của rừng xà nu phải gánh chịu do bom đạn tàn phá cũng chính là những mất mát của dân làng. Nguyễn Trung Thành đã miêu tả “Có những cây bị đạn bắn ngang thân mình, đổ ào như một trận bão, còn có những cây khác bị đứt làm đôi, nhựa cây ứa ra, chất dầu ứa ra, chỉ năm mười hôm là cây chết”. Mỗi cây xà nu đổ gục cũng giống như một người chiến sĩ anh hùng đã từ trận nơi chiến trường oanh liệt.
Tuy bị tàn phá nặng nề nhưng rừng xà nu vẫn đứng đó hiên ngang và bất khuất giống như những người dân vùng Tây Nguyên không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Trong cả một khu rừng xà nu rộng lớn, trùng trùng điệp điệp, cứ mỗi một cây bị đốn ngã thì lại có mần non mới mọc lên, nối tiếp nhau không bao giờ ngừng. Vẻ đẹp của cây Xà Nu còn được thể hiện ở chỗ nó loài cây ưa ánh sáng, luôn luôn vươn lên phía trước để sinh tồn. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, vô số những hạt bụi vàng bay ra từ nhựa cây thơm mỡ màng. Có thể nói, xà nu chính là hình ảnh ẩn dụ cho tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất cũng như niềm tin, niềm khao khát vào chiến thắng của cuộc chiến.
Cuối cùng, ta có thể thấy khuynh hướng sử thi được thể hiện qua hình tượng con người. Cả ngôi làng Xô Man có biết bao nhiêu con người đã, đang và sẽ làm cách mạng. Có những người bị giặc bắt, giặc giết hay đã trôn mình trong bão đạn nhưng họ không bao giờ biết run sợ, chùn bước. Khi thế hệ này ngã xuống thì lại có những thế hệ mới mọc lên giống như những cây xà nu. Bà Nhan, anh Xút là những con người đi đầu trong việc làm cách mạng ở ngôi làng, họ bị giặc bắt, hành hạ một cách tàn ác, và cuối cùng là giết chết nhưng cũng không thể làm nhụt ý chí chiến đầu của dân làng. Mẹ con Mai, Tnú rồi cả những bé Heng, bé Dít đang lớn, họ sẽ tiếp tục con đường mà thế hệ trước đang đi, mục đích cuối cùng là đánh đuổi kẻ thù, mamg lại tự do cho ngôi làng.
Tiêu biểu nhất cho tinh thần kiên cường, ý chiến đấu bất khuất của dân làng đó chính là nhân vật Tnú. Anh là một thanh niên yêu nước, tin vào cách mạng nhưng phải gánh chịu nhiều khó khăn, mất mát. Vợ con anh bị giặc bắt, đày đọa, bản thân thì bị tù đày, đốt bàn tay đến mỗi mỗi ngón chỉ còn hai đốt, không mọc ra được nữa. Thế nhưng từng ấy chuyện không làm Tnú nản lòng, run sợ mà còn càng làm cho mối thù trong anh với bọn giặc ngày càng lớn hơn, thôi thúc anh cầm súng ra chiến trường chiến đấu. Mối thù trong anh giờ đây không chỉ là mối thù cá nhân, mà còn là mối thù gia đình, giết vợ, giết con, mối thù dân tộc, giết dân đốt làng.
Bằng tình yêu sâu nặng với vùng đất Tây Nguyên và bút pháp nghệ thuật lãng mạn, Nguyễn Trung Thành đã viết lên một tác phẩm tuyệt vời về con người và thiên nhiên nơi đây. “ Rừng xà nu” là một đóng góp to lớn vào nền văn học mang đậm chất sử thi của nước nhà trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ ác liệt.
- khunh hướng sử thi trong rừng xà nu