Suy nghĩ về câu:“Khí, kiêng nhất là hung hăng; tâm, kiêng nhất là hẹp hòi; tài, kiêng nhất là bộc lộ” – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận về thái độ sống
Đề bài
Người Trung Hoa có câu: “Khí, kiêng nhất là hung hăng; tâm, kiêng nhất là hẹp hòi; tài, kiêng nhất là bộc lộ”.
Trình bày quan điểm của anh (chị) về câu danh ngôn trên đây trong một bài văn khoảng 600 chữ.
Hướng dẫn làm bài
Ba khía cạnh được nêu ở đề này là ba vấn đề quan trọng làm nên nhân cách của con người. Để giải quyết vấn đề, người viết không chỉ phải hiểu các khái niệm khí, tâm, tài cũng như những biểu hiện của chúng trong thực tế, mà còn phải trả lời thoả đáng những câu hỏi: Tại sao khí thì kiêng nhất là hung hăng? Tại sao tâm thi kiêng nhất là hẹp hòi? Vì sao tài thì kiêng nhất là bộc lộ?
Nhận thức được những điều cần tránh đó, cá nhân cần có thái độ sống thế nào cho đúng?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Sinh ra trên đời, dù muốn hay không, con người cũng tự hình thành một nhân cách. Nhân cách ấy tốt xấu thế nào tuỳ thuộc vào trình độ nhận thức và hành vi của cá nhân. Người Trung Quốc quan niệm, làm nên nhân cách con người là ba vấn đề: khí, tâm, tài. Trên cơ sở đó, họ đưa ra một lòi khuyên rất đáng suy ngẫm: “Khí, kiêng nhất là hung hăng; tâm, kiêng nhất là hẹp hòi; tài, kiêng nhất là bộc lộ”.
– Khí là gì? Khí là khí chất, là tính khí, tính cách của con người. Trong cuộc sống, sự êm đềm được tạo nên bởi hoà khí; sự sục sôi là do nộ khí. Hung hăng, dữ dằn, nóng nảy hay dịu dàng, mát mẻ, hiền hoà,… đều là những dạng tính khí khác nhau của con người.
– Người Trung Quốc quan niệm, trong những loại tính khí của con người thì sự hung hăng là tệ nhất, vì thế, phải làm sao tránh bằng được. Chính sự hung hăng là thủ phạm gây ra những điều tệ hại cho cuộc sống. Khi hung hăng, con người thường mất tỉnh táo, mọi xử sự đều thiếu sáng suốt, khôn ngoan. Tục ngữ Việt Nam có câu: No mất ngon, giận mất khôn. Những quyết định đưa ra trong lúc hung hăng, nóng nảy thường dễ sai lầm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Hung hăng cũng khiến con người bộc lộ những yếu kém của bản thân, thậm chí, còn trở nên ngạo mạn, bất chấp tất cả, không còn biết đến ai ngoài bản thân mình. Cũng bởi hung hăng, người ta có thể xúc phạm đến người khác, phá hỏng các mối quan hệ trước đó vốn tốt đẹp.
Thực tế, đã có bao nhiêu chuyện đáng tiếc xảy ra do thái độ hung hăng. Trong gia đình, thói hung hăng có thể dẫn đến cảnh vợ chồng chia tay nhau. Ngoài xã hội, sự hung hăng có thể khiến bạn bè bỏ nhau, nhân viên chán người quản lí. Có những tướng lĩnh ngoài mặt trận, chỉ vì bừng bừng nộ khí mà đưa ra những quyết định hấp tấp, vội vã, dẫn đến thảm bại. Có những doanh nhân chỉ vi nóng giận trong chốc lát mà bị đối tác quay lưng lại, đánh mất cơ hội vàng trong kinh doanh… Vì vậy, kìm hãm bản thân, nhẹ nhàng, bình tĩnh trong mọi tình huống là phương cách hữu hiệu để chê ngự con ngựa bất kham trong bản thân là thói hung hăng.
– Tâm là gì? Tâm là tấm lòng. Tấm lòng có thể có trăm ngàn biểu hiện khác nhau, nhưng chung quy, vẫn là tình cảm, thái độ, cách đối xử với người khác. Tốt hay xấu, trong sáng hay đen tối, rộng lượng hay hẹp hòi, ngay thẳng hay quanh co… đó là những đối cực thường được nói tới khi đánh giá cái tâm của con người. Ở mặt trái, mặt không hoàn hảo của cái tâm, theo quan niệm của người Trung Quốc, hẹp hòi là điều đáng sợ nhất.
– Hẹp hòi là sự khắt khe, nhỏ nhen một cách vô lí trong đối xử hoặc đánh giá người khác. Trước con người, kẻ hẹp hòi thường không chú ý những mặt tốt, những ưu điểm, ngược lại, chỉ thích săm soi, bói móc những mặt xấu, những khuyết điểm. Như vậy, hẹp hòi trước hết sẽ tạo nên sự bất công, và do vậy, không hiểu đúng bản chất của người khác.
Sở dĩ kẻ hẹp hòi không thích đánh giá công bằng về người khác, vì nếu đánh giá như vậy, họ sợ người khác hơn mình, cần phải dìm người ta xuống thì mình mới nổi bật. Xét cho cùng, hẹp hòi cũng là một cách khẳng định mình, nhưng là cách hết sức tiêu cực. Đó cũng là một biểu hiện của thói ích kỉ. Hậu quả của sự hẹp hòi là triệt tiêu động lực vươn lên của chính mình.
Kẻ hẹp hòi sẽ tự tạo ra một hình ảnh xấu của bản thân trước mắt người khác. Một khi anh cố tình bất công trong nhìn nhận, đánh giá; một khi anh có những động cơ thiếu trong sáng trong các mối quan hệ, thì dù muốn hay không, anh cũng đã tự bộc lộ bản chất của mình.
Sống ở đời này, gieo gì gặt nấy, có cho thì có nhận. Cho nên, kẻ hẹp hòi thì cũng đừng mong nhận được sự bao dung,.rộng lượng của người đời.
Từ những góc nhìn ấy, có thể thấy hẹp hòi đích thực là một thứ kẻ thù mà ta cần phải tránh xa.
– Tài là gì? Theo cách hiểu thông thường, tài là một thứ năng lực nổi trội của con người, thể hiện ở lối tư duy, ở cách giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Tài năng của con người rất đa dạng. Có người nhờ tài năng mà học giỏi. Có người nhờ tài năng mà có đưọ’c công trình nghiên cứu xuất sắc. Có người nhờ tài năng mà tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Có người nhờ tài năng mà thành đạt về chính trị. Tóm lại, bất cứ lĩnh vực nào cũng có những biểu hiện của tài năng.
– Câu danh ngôn mà chúng ta đang bàn ở đây ra đời vào thời phong kiến ở Trung Quốc. Xác định như vậy để thấy vì sao người ta khuyên: tài thì kiêng nhất là bộc lộ. Trong xã hội quân chủ chuyên chế xưa, mọi người đều là thần dân của vua. Vua dĩ nhiên là đứng trên thiên hạ. Muốn trị quốc, vua phải thể hiện uy quyền tuyệt đối. Vĩ thế, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, không một ai có quyền thể hiện tài năng của mình vượt trội vua. Lộ tài, khoe tài cũng có nghĩa là nhận án tử. về điều này, lịch sử để lại những tấm gương tày liếp.
– Trong thời đại ngày nay, tài năng luôn được khuyến khích, coi trọng. Không ai có quyền ngăn cấm người khác thể hiện tài năng. Hơn thế, nhà nước cũng như các tổ chức phi chính phủ còn có các quỹ hỗ trợ, phát triển tài năng. Việc khuyên khích tài năng sẽ là một động lực không nhỏ kích thích hiệu quả công việc của mọi người.
Tuy nhiên, với cá nhân, thái độ khiêm tốn là điều rất cần thiết. Không ngại thể hiện tài năng trong lĩnh vực hoạt động của mình, nhưng cũng cần tránh tâm lí khoe tài. Sự khoe khoang, dù bất cứ lí do gì, cũng là điều không nên. Hãy để hiệu quả công việc tự nó nói lên tất cả.
Theo hoctotnguvan.vn