Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề thi số 1

Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề thi số 1

Hướng dẫn

Loading…

Tuyển chọn đề thi THPT Ngữ Văn (Đề 1)

A. ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)

Đọc trích đoạn sau và thực hiện các yêu cầu nêu bên dưới:

Bất cứ ai cũng đã từng thất bại, đã từng vấp ngã ít nhất một lần trong đời như một quy luật bất biến của tự nhiên. Có nhiều người có khả năng vực dậy, đứng lên rồi nhẹ nhàng bước tiếp như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng cũng có nhiều người chỉ có thể ngồi một chỗ và vẫn luôn tự hỏi lí do vì sao bản thân lại có thể dễ dàng “mắc bẫy” đến như thế…

Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho ta một bài học đáng giá: về một bài toán đã áp dụng cách giải sai, về lòng tốt đã gửi nhầm chủ nhân hay vẽ một tình yêu lâu dài bỗng phát hiện đã trao nhầm đối tượng,…

Đừng để khỉ tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi. Thời gian làm tuổi trẻ đi qua nhanh lắm, không gì là mãi mãi, nên hãy sống hết mình để không nuối tiếc những gì chỉ còn lại trong quá khứ mà thôi…

(Trích Hãy học cách đứng lên sau vấp ngã, theo http://www.vietgiaitri.com, 4/6/2015)

Loading…

Câu 1. Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 2. Đoạn văn trên để cập đến nội dung gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng “Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đểu mang lại cho ta một bài học đáng giá”. (1 điểm)

Câu 4. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì trong hai câu văn sau: “Đừng để khi tia nắng ngoài kia đã lên, mà con tim vẫn còn băng lạnh. Đừng để khi cơn mưa kia đã tạnh, mà những giọt lệ trên mi mắt vẫn còn tuôn rơi”? Hãy phân tích hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ đó. (1 điểm)

II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

Câu 1. (2 điểm)

Có ý kiến cho rằng: “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất”. Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của mình vể ý kiến trên.

Câu 2. (5 điểm)

Nêu cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

(Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)

B. HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)

Xem thêm:  Noi gương và nêu gương là những đức tính tốt đẹp của con người. Em hãy Nghị luận về noi gương và nêu gương của con người trong xã hội.

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong trích đoạn trên là nghị luận. (0,5 điểm)

Câu 2. Nội dung đoạn trích (0,5 điểm)

– Hãy đứng lên sau vấp ngã vì mỗi lẩn vấp ngã là một lần ta rút ra được những bài học cho bản thân.

– Hãy biết yêu thương, sẻ chia, đồng cảm để không phải nuối tiếc khi nhìn lại quá khứ.

Câu 3. Những bài học rút ra: (1 điểm)

– Bài học vể kinh nghiệm sống.

– Bài học về ý chí, nghị lực vươn lên.

– Bài học về giá trị đáng quý của cuộc sống.

Câu 4. Đoạn văn sử dụng ba biện pháp tu từ (Học sinh chỉ cần nêu được 1 trong 3 biện pháp tu từ): (1 điểm)

+ Điệp ngữ (Đừng để khi)

+ Điệp cấu trúc ngữ pháp (lặp cấu trúc ngữ pháp).

+ Đối lập (tia nắng… đã lên >< giọt lệ… rơi).

– Tác dụng:

+ Biện pháp điệp ngữ; điệp cấu trúc ngữ pháp: Tạo âm hưởng nhịp nhàng, cân đối; nhấn mạnh, khuyến khích mọi người hãy từ bỏ những ưu phiền để sống vui vẻ, hòa nhịp với thế giới xung quanh…

+ Biện pháp đối lập: Làm nổi bật sự trái ngược giữa ngoại cảnh với tâm trạng con người, nhằm khích lệ con người từ bỏ những ưu phiền, hướng đến cuộc sống vui tươi, ý nghĩa.

II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

Câu 1. (2 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội với bố cục rõ ràng, mạch lạc.

– Hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, độ dài không quá 200 từ.

– Kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận,… dẫn chứng tiêu biểu.

Yêu cầu về kiến thức

Bài viết có thể trình bày theo nhiểu cách khác nhau nhưng cần làm rõ những yêu cẩu cơ bản sau:

– Giải thích: Thế nào là chiến thắng và chiến thắng bản thân mình?

– Sống là đấu tranh, con người phải đấu tranh và phải chiến thắng.

– Đấu tranh với bản thân, với chính mình là cuộc chiến vô cùng khó khăn:

– Nêu bài học: Đấu tranh với chính mình là điều cần thiết. Đó cũng là cách để con người hoàn thiện nhân cách.

Đoạn văn mẫu

Chiến thắng là kết quả tốt đẹp mà chúng ta đạt được sau một thời gian đấu tranh. Có một câu nói đã thể hiện rất sâu sắc về ý nghĩa của chiến thắng là “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất”. Chiến thắng bản thân là tự đấu tranh vượt lên cái xấu, cái thấp hèn trong chính con người mình. Cuộc sống vốn dĩ luôn cần sự đấu tranh để sinh tồn, ví dụ đấu tranh chống thiên tai, chống đói nghèo,… Nhưng cuộc đấu tranh với những yếu tố khách quan không khó khăn bằng đấu tranh với chính bản thân mình. Bởi lẽ, điều không tốt ở chính ta không phải lúc nào cũng dễ nhận ra – nhất là khi ta đứng trước những cám dỗ. Tuy nhiên, nếu nhận ra hạn chế của bản thân để vươn lên lại là sự tự khẳng định mình. Có rất nhiều tấm gương như thế, chẳng hạn Socrates nói ngọng bẩm sinh nhưng ông đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu với phần khiếm khuyết của bản thân bằng cách tập nói, luyện diễn thuyết trước sóng biển để trở thành nhà hùng biện. Như vậy, câu nói chứa đựng một quan niệm sống đúng đắn – hướng con người vươn tới những giá trị đích thực của bản thân để hoàn thiện nhân cách.

Câu 2. (5 điểm)

Xem thêm:  Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ Chồng A Phủ

Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đê’ nghị luận.

– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức

Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:

a) Mở bài (0,5 điểm)

– Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.

– Bài thơ Việt Bắc được viết vào tháng 10 năm 1954 – thời điểm diễn ra cuộc chia tay giữa cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Tác phẩm là khúc ca trữ tình nồng nàn, đắm say về những lẽ sống lớn, ân tình lớn của con người cách mạng.

– Nỗi nhớ hướng về cảnh và người ở quê hương Việt Bắc, là một nội dung nổi bật của bài thơ, được thể hiện xuất sắc trong đoạn thơ.

b) Thân bài (4 điểm)

– Hai dòng đầu: Khái quát nội dung của đoạn với nỗi nhớ cả hoa và người Việt Bắc. Cảnh vật lẫn con người Việt Bắc hoà quyện với nhau thành một thể thống nhất.

– Tám dòng thơ tiếp theo: Nỗi nhớ về Việt Bắc qua bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. Câu lục nói cảnh, còn câu bát “vẽ” về người.

+) Mùa đông: Màu hoa chuối đỏ tươi nổi bật giữa màu xanh trầm tịch của rừng già, khiến cho bức tranh thêm rực rỡ, ấm nóng. Mùa đông, người đi làm nương rẫy với con dao đi rừng lấp loá gài thắt lưng. Trên đèo cao đầy nắng, tẩm vóc con người như lớn lao, mạnh mẽ, rắn rỏi hơn giữa núi rừng hùng vĩ.

+) Mùa xuân: Trong sáng, tinh khôi và đẩy sức sống với “mơ nở trắng rừng”. Động từ “nở” làm sức sống mùa xuân như lan toả và tràn trề nhựa sống. Nghệ thuật đảo “trắng rừng” gợi cảm giác cả cánh rừng như bừng sáng trong sắc trắng mơ màng, bâng khuâng, dịu mát của hoa mơ. Con người cần mẫn trong công việc đan nón. Động từ “chuốt” và hình ảnh thơ đã nói lên được bàn tay của con người lao động: cần cù, khéo léo, tài hoa, nhanh nhẹn, đó cũng chính là phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc.

+) Mùa hè: Rực rỡ, sôi động với “rừng phách đổ vàng”. Động từ “đổ” là động từ mạnh diễn tả sự vàng lên đồng loạt của hoa phách đầu hè. Màu của cây phách đổ vàng cả suối ngàn khiến cho ánh nắng hè và tiếng ve kêu râm ran kia dường như trở nên óng vàng hơn. Hình ảnh cô gái hái măng giữa rừng tre nứa cung cấp cho bộ đội kháng chiến cũng gợi lên được vẻ đẹp chịu khó chịu thương của cô gái Việt Bắc. Bằng những việc làm nhỏ bé, họ góp phần tạo nên sức mạnh vĩ đại của cuộc kháng chiến.

Xem thêm:  Bình giảng bài thơ Tỏ lòng

+) Mùa thu: Yên ả, thanh bình, lãng mạn với hình ảnh “trăng rọi hoà bình”. Ánh trăng của tự do, của hoà bình rọi sáng niềm vui lên từng núi rừng, từng bản làng Việt Bắc. Mùa thu là tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc, là tiếng hát nhắc nhở thuỷ chung ân tình. Đây cũng chính là tiếng hát của Việt Bắc, của núi rừng, của tình cảm mười lăm năm gắn bó thiết tha, mặn nồng.

Như vậy, với bốn cặp thơ lục bát ngắn gọn, bốn mùa của thiên nhiên Việt Bắc được gợi tả sắc nét, tràn đầy sức sống với đủ hình ảnh, âm thanh, màu sắc, có sự kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên và con người. Tất cả để lại cho người đi một nỗi nhớ khôn nguôi.

– Nghệ thuật

Thể thơ lục bát quen thuộc vừa dân dã, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Giọng thơ nhịp nhàng uyển chuyển, ý nọ gợi ý kia cứ trào lên dào dạt trong lòng người đi, kẻ ở. Nhịp điệu cân đối, cô đúc, ngân nga, dìu dặt, vừa thắt buộc lại, vừa mới mẻ lạ lùng. Cách sử dụng các đại từ “mình – ta” vừa truyền thống, vừa hiện đại. Đặc biệt là điệp từ “nhớ” được nhắc lại nhiều lần, mỗi lần mang một sắc thái khác nhau theo cấp độ tăng tiến, thể hiện những rung động chân thành, mặn mà thắm thiết của nhà thơ với thiên nhiên và con người Việt Bắc.

c) Kết bài (0,5 điểm)

Với những nét chấm phá đơn sơ, giản dị, vừa cổ điển, vừa hiện đại, đoạn thơ trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh thiên nhiên và con người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Tất cả đều tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Đoạn thơ như một khúc tình ca về tấm lòng thuỷ chung của người cách mạng với quê hương Việt Bắc.

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *