Bình giảng đoạn thơ thứ 2 trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

Đất là nơi anh đến trường



Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng.

Bài làm

Đất nước là chương năm của trường ca Mặt đường khát vọng mà Nguyễn Khoa Điềm đã viết ở chiến khu Trị Thiên trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Qua phần thơ này có thể thấy được những cảm nhận tinh tế của nhà thơ về đất nước trong chiều sâu cảm xúc suy nghĩ và trong sự gắn bó thân thiết với cuộc đời mỗi người. Đặc biệt là đoạn trích:

Đất là nơi anh đến trường

….

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

đã thể hiện tập trung những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ khi thể hiện những khám phá mới mẻ về đất nước mình.

Tiếp nối những suy nghĩ về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã táo bạo khi đưa ra định nghĩa về Đất Nước được tạo thành bởi hai yếu tố thời gian và không gian. Đó chính là đất và nước. Khi đi vào tìm hiểu, chính tư duy nghệ thuật của nhà thơ đã dẫn đến những liên tưởng bất ngờ khi ông định nghĩa về đất nước:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất gắn liền với những kỉ niệm thời thơ ấu của anh, gắn liền với con đường hàng ngày đến trường với bao trò chơi, bao lần đùa nghịch cùng bạn bè. Còn nước “là nơi em tắm”. Nó cũng gắn với kỉ niệm tuổi thơ em, một kỉ niệm êm dịu và nhẹ nhàng như những dòng sông em thường tắm mát. Những kỉ niệm ấy, tất cả hợp lại thành đất nước, thành “nơi ta hò hẹn”. Khi cả anh và em cũng trưởng thành, tình yêu kết dính giữa anh và em thành một mối khăng khít, không tách rời. Và đến đây, đất nước không còn tách riêng mà hoà hợp với nhau. Và điểm hẹn hò giữa anh và em cũng chính là ở bắt đầu của tình yêu đất nước. Tình yêu cá nhân, tình yêu thiêng liêng giữa anh và em đã to lớn và nó hoà vào tình yêu đất nước. Hay đất nước bắt nguồn từ tình yêu nam nữ. Tiếp tục mạch thơ ấy, Nguyễn Khoa Điềm đi đến khẳng định Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Nỗi nhớ thầm kín, da diết của em, nỗi nhớ ấy đã gắn kết tình yêu anh và em, nỗi nhớ cũng nuôi lớn tình yêu hai chúng ta và nỗi nhớ ấy cũng hoà vào đất nước, gắn kết đất nước lại thành một mối khăng khít, bền chặt. Có nỗi nhớ tình yêu, có nỗi nhớ đất nước.

Nguyễn Khoa Điềm đã đưa khái niệm đất nước từ sự kết hợp của tình cảm cá nhân nam nữ riêng tư, từ sự tách riêng để đi đến cái khái quát, nâng lên rộng hơn:

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông mong nước biển khơi”

Từ tình cảm riêng tư, tác giả đi đến định nghĩa đất nước là nơi dân mình đoàn tụ, sinh sống, Từ cá thể anh, em đã đi đến cái chung, cái lớn hơn là dân mình, là đồng bào.

Tác giả đã mở ra một không gian, một thời gian theo chiều dài từ quá khứ nghìn xưa.

Thời gian đằng đẵng Không gian mênh mông Và kết lại “Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ”. Tác giả còn ngầm chỉ rõ yếu tố tạo nên sự gắn kết giữa các cá nhân, từ những con người đơn lẻ gắn kết lại thành nhân dân. Sự gắn kết ấy, sợi dây vô hình ấy chính là tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Nó tạo nên sức mạnh kì diệu, liên kết mọi người lại, từ cái tôi đã hoà vào thành cái “ta” chung, cái “ta” của dân tộc, của đất nước trên cả hai phương diện địa lý và lịch sử.

Và nó trở lại kết cấu:

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Tách riêng từng yếu tố để chứa đựng một huyền thoại xưa. Hình ảnh “chim về” chính là nơi sinh sống của người mẹ Âu Cơ với 50 người con trên rừng. Còn nước lại là nơi Lạc Long Quân sinh sống cùng 50 người con. Nó kết lại thành câu chuyện truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Hay nói cách khác là nguồn gốc của dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên. Tất cả các anh em dân tộc sinh sống trên mảnh đất Việt Nam đều là anh em với nhau, đều do một mẹ sinh ra.

Đoạn trích ngắn gọn chỉ 13 câu nhưng đã đưa ra được 3 khái niệm khác nhau về đất nước với 3 lần cảm xúc khác nhau nhưng đều thống nhất trong sự chuyển hoá từ cái riêng đến cái chung, từ bộ phận đến khái quát, nâng lên để chúng hoà quện, kết dính lại với nhau làm nên đất nước trong chiều dài và chiều sâu của lịch sử, của truyền thống văn hoá.

Đoạn trích ngắn gọn, lời thơ khúc chiết đã nói lên một cách nhìn mới, nhận định mới của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước. Sự kết hợp hài hoà giữa cảm xúc sâu lắng cùng với nhìn nhận mới mẻ, đúng đắn đã làm nên giá trị của đoạn thơ.

(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương – Việt Trì – Phú Thọ)

Bài liên quan

“Bác ơi!” – Bản điếu văn bi hùng

Ngày mùng hai tháng chín năm một chín sáu chín, chủ tịch Hồ Chí Minh…

Bình giảng bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Những…

Bình giảng bài thơ “Sóng”

Nếu như Xuân Diệu đã từng thổn thức vì tình yêu, dâng hiến trọn đời…

Bình giảng bài thơ “Việt Bắc”

Bằng những vần thơ lục bát ngọt ngào mang đậm màu sắc ca dao dân…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *