Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng chẳng lại yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
Bài làm
Trở về với cuộc sống xanh tươi, về với nhân dân, đất nước, hồn thơ giàu tính chất trí tuệ, trầm lắng của Chế Lan Viên đã được tắm đẫm trong cảm xúc đằm thắm ngọt ngào. Điều đó tạo nên nét phong cách khó lẫn của thơ ông. Tiếng hát con tàu một bài thơ tiêu biểu của tập Ánh sáng và phù sa – sáng tác 1960, trong đó có những đoạn thơ đã kết tinh được những nét đặc sắc ấy của bài thơ:
Nhớ bản sương giăng, nhớ con đèo mây phủ
Nơi nao qua, lòng chẳng lại yếu thương?
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồnAnh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
Những năm người nghệ sĩ kháng chiến cùng nhân dân Tây Bắc tiến hành cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại là những năm tháng vô cùng gian khổ, hy sinh, nhưng cũng sâu nặng nghĩa tình và không thể nào quên. Cho nên giữa những ngày đất nước rộn ràng không khí xây dựng, sống giữa thủ đô hoa lệ, hồi tưởng về Tây Bắc, nhà thơ vẫn cảm thấy nhớ da diết một bản làng “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ”. Tiểu đối “bản sương giăng” với “đeo mây phủ”, cùng với điệp từ “nhớ” đã tô đậm cảm xúc ấy. Như thế là chỉ bằng một hình ảnh mà tác giả đã làm sống dậy được một vùng quê Tây Bắc xa xôi với “bản sương giăng, đèo mây phủ”. Tây Bắc hiện lên trong câu thơ Chế Lan Viên thật đẹp, một vẻ đẹp huyền ảo, có cái gì đó heo hút mà vẫn kỳ vĩ rất tiêu biểu cho vẻ đẹp núi rừng miền Tây. Phải quen thuộc và gắn bó nhiều với Tây Bắc mới tạo ra được một hình ảnh thơ đơn sơ mà gợi cảm và đúng đến thế! – Một hình ảnh gợi lại một miền đất xa xôi ẩn hiện trong sương mờ mây núi và cùng là trong sương khói của hoài niệm mà đã làm khơi dậy trong tâm hồn ta biết bao hình ảnh thân thiết của những bản làng Tây Bắc, những tình cảm thắm thiết nghĩa tình của những con người chất phác bình dị và cả một mạch thơ về tình quân dân, tình đồng bào trong những năm kháng chiến chống Pháp như Nhớ của Hồng Nguyên, Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông, Việt Bắc của Tố Hữu:…
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
“Bản sương giăng, đèo mây phủ” thường gợi lên những gian khổ của những ngày kháng chiến và thường dễ gợi nỗi buồn cho con người. Nhưng bằng một tấm lòng gắn bó thiết tha với đất nước, với nhân dân, những người mà nhà thơ “trọn đời nhớ mãi ơn nuôi” thì những nơi đó bỗng trở thành niềm thương nỗi nhớ của trái tim tác giả. Và tác giả càng thấm thía một điều dường như đã trở thành chân lý trái tim “nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương?”. Câu hỏi tu từ thật nhẹ nhàng tha thiết hỏi đấy mà nào cần ai phải trả lời. Bởi bản thân câu thơ đã chứa đựng cả câu trả lời rồi. Câu thơ Chế Lan Viên mang nặng tính chất khái quát và rất giàu tính chất triết lý. Nhưng triết lý mà không khô khan. Vì đó còn là những ý thơ được cất lên từ những xúc động lắng nghe của chính lòng mình thông qua sự trải nghiệm của cuộc sống để rút ra quy luật phố biến của đời sống trái tim con người.
Bằng trí tuệ sắc sảo và trái tim nhạy cảm, Chế Lan Viên còn khám phá ra một quy luật sâu xa mà lý thú.
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn.
Người đọc dễ nhận ra những hình ảnh đối lập để nhấn mạnh ý mà ta thường gặp trong thơ Chế Lan Viên. Ở đây là sự đối lập giữa “ở” và “đi”, giữa “đất” và “tâm hồn”, nghĩa là giữa cái hữu hình ngoài ta và cái vô hình bên trong sâu thẳm. Con người ta thường vẫn vậy, vẫn chỉ yêu chỉ quý và cảm thấy hối tiếc hơn những cái quý giá đã xa mình “Gần nhau cảm thấy bình thường, Xa nhau cảm thấy tình thương dạt dào” (Ca dao). Ở đây Chế Lan Viên đã nâng hình ảnh “đất”, một vật vô tri vô giác thành một hình ảnh sống động là “tâm hồn”, biết nhớ biết thương rất đỗi thiêng liêng cao đẹp. Thật là một hình ảnh bất ngờ đầy sáng tạo có chiều sâu triết lý mà lắng đọng cảm xúc. Xuân Diệu trong bài thơ về Tuyên viết cùng thời với bài thơ Chế Lan Viên cũng đã chứng thực cái triết lý ấy qua những vần thơ rất Xuân Diệu:
Đất nước ơi, ta quyện với mình chật lắm
Nên đi rồi lòng không thể gỡ ra
Tuyên Quang! Tuyên Quang, đâu là mình đất thắm
Và phần nào là hồn thần của ta?
(1-1960)
Và Xuân Quỳnh trong bài thơ Gió Lào cát trắng cũng đã có những câu thơ rất hay:
Em mới về em chưa thấy gì đâu
Chỉ có cát và gió Lào quạt lửa
Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ
Cát khô cằn ở mãi hoá yêu thương.
Ở khổ thơ tiếp theo, mạch thơ dường như đột ngột chuyển sang một rung cảm và suy tưởng khác. Đó là tình yêu và đất lạ:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương
Tình yêu là một đề tài khá quen thuộc. Nhưng viết về nó, bằng những câu thơ trên Chế Lan Viên vẫn có cách nói độc đáo và hấp dẫn. Nói về tình yêu và nỗi nhớ, tác giả đã có cách so sánh thật mới lạ và thú vị. Ta lại bắt gặp một nét quen thuộc rất dễ nhận ra của phong cách Chế Lan Viên: Những hình ảnh thơ giàu chất trí tuệ, triết lý qua sự chiêm nghiệm của cuộc đời mà chất chứa cảm xúc như thể tiếng lòng bật lên từ một trái tim đang nồng nàn nỗi nhớ.
Nỗi nhớ trong tình yêu giữa anh và em là tất yếu như “đông về nhớ rét”. Còn tình yêu của ta thật thiêng liêng thật quý “như cánh kiến hoa vàng” – một đặc sản của núi rừng Tây Bắc và đẹp lung linh như sắc biếc chim rừng khi xuân sang. Tình yêu ấy cũng tô đẹp cho cuộc đời. Cái hay của câu thơ là tác giả đã cụ thể hoá khái niệm trừu tượng là tình yêu, thành những hình ảnh gần gũi quen thuộc với con người.
Những hình ảnh ở đây còn mang nặng một ý nghĩa triết lý: Mỗi hiện tượng và sự vật chỉ có thể tồn tại và phát triển trong mối quan hệ khăng khít với hiện tượng sự vật khác – như cái rét với mùa đông, cánh kiến với hoa vàng, như mùa xuân đối với bộ lông trở biếc của chim rừng. Đó cũng là bản chất của tình yêu luôn luôn có sự khăng khít hoà hợp giữa hai tâm hồn.
Trên cái mạch triết lý ấy, nhà thơ như bỗng reo lên khi phát hiện ra một chân lý giản dị mà sâu xa khác của tình cảm: “Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”. Vói câu thơ hàm súc này, tác giả đà nói hộ cho biết bao trái tim về cái kỳ diệu của tình yêu. Tình yêu có một sức mạnh gần như là phép lạ: Có thể biến mọi vùng đất xa xôi thành quê hương thân thiết. Ca dao xưa đã từng nói “yêu nhau yêu cả lối đi”. Nhưng ở đây, Chế Lan Viên đã khái quát lên một mức độ cao hơn nhiều “Tình yêu” trong câu thơ trên không chỉ giới hạn trong tình yêu của anh và em mà nó còn là kết tinh của những tình cảm đối với quê hương đất nước, làm sâu nặng thêm những tình cảm ấy. Ở đâu thắm thiết tình người thì ở đó là quê hương.
Với hai khổ thơ trên nhà thơ nói nhiều về nỗi nhớ, về “Tình yêu”, nhưng thực chất là nói về tình cảm của nhà thơ đối với nhân dân đất nước. Đó cũng chính là cội nguồn để sáng tạo nghệ thuật, thơ ca. Do đó ý thơ vẫn nằm trong mạch suy tư và cảm xúc chung của bài thơ.