Đề 21 – Giới thiệu về một di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh(Văn Miếu – Quốc Tử Giám) – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Giới thiệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
Văn miếu – Ọuốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng học sinh xuất sắc và nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng.
II. THÂN BÀI
1. Nguồn gốc, xuất xứ
Văn Miếu được xây dựng từ năm (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông.
Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện cho mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Chức năng trường Quốc học ngày càng nổi bật hơn chức năng của một nơi tế lễ. Đời Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.
Sang thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành.
Vào năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi (chủ trương đã đề ra năm 1442 nhưng chưa thực hiện được). Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Tới năm đó, nhà Lê đã tổ chức được 12 khoa thi cao cấp, Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một lần, đúng 12 khoa thi).
Năm 1762, Lê Hiến Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám – cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình.
Đời nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám lập tại Huế.
Năm 1802, vua Gia Long ấn định đây là Văn Miếu – Hà Nội và cho xây thêm Khuê Văn Các, với một chức năng duy nhất là nơi thờ tự Thánh hiền. Trường Giám cũ ở phía sau Văn Miếu lấy làm nhà Khải thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử.
Đầu năm 1947, giặc Pháp nã đạn đại bác làm đổ sập căn nhà, chỉ còn cái nền với hai cột đá và 4 nghiên đá. Ngày nay, ngôi nhà này đã được phục dựng theo kiến trúc cùng thời với quần thể các công trình còn lại.
2. Kết cấu
Nhà Thái học có ba gian, có tường nang, lợp bằng ngói đồng.
Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian.
Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người.
Khuôn viên được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch Bát Tràng.
Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn Miếu thờ Khổng Tử ở quê hưong ông tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Ọuốc.
Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh.
Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia “Hạ Mã”, xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh.
Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa.
Trong Văn miếu chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau:
Khu thứ nhất: bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.
Khu thứ hai: từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các (do Đức Tiền Quân Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành cho xây năm 1805).
Khu thứ ba: gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời).
Khu thứ tư: là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu, gồm hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Toà ngoài nhà là Bái đường, toả trong là Thượng cung.
Khu thứ năm: là khu Thái Học, trước kia đã có một thời kỳ đây là khu đền Khải thánh, thờ bố mẹ Khổng Tử, nhưng đã bị phá huỷ. Khu nhà Thái Học mới được xây dựng lại năm 2000.
Trong Văn Miếu có tượng Khổng Tử và Tử Phổi (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử).
Ở điện thờ Khổng Tử có hai cặp hạc cưỡi trên lưng rùa.
Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hoà giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm – dương.
3. Ý nghĩa
Là hình ảnh tiêu biểu của Hà Nội.
Là nơi tượng trưng cho truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.
III. KẾT BÀI
Vào tháng 3/2010, 82 tấm bia Tiến sĩ triều Lê – Mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đến ngày 27/7/2011, 82 bia Tiến sĩ lại tiếp tục được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Di tích làm rạng rỡ văn hóa, lịch sử sâu rộng của dân tộc Việt Nam; tôn vinh nền văn hóa, nền giáo dục, truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, quý đức, quý tài của dân tộc Việt Nam.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Việt Nam là một nước văn hiến. Cách đây gần một ngàn năm, vào năm 1070, Văn Miếu được xây dựng và đến năm 1076, tại đây, Quốc Tử Giám được chính thức thành lập, là nơi dạy học cho Thái tử và con các quan đại thần. Năm 1257, Quốc Tử Giám được đổi thành Quốc Học Viện. Sang đời Lê, lại đổi thành Nhà Thái Học. Từ những ngày đầu tiên đó, Quốc Tử Giám thực sự là một trường đại học đầu tiên của nước Đại Việt. Và sau đó, trường đại học này đã được đặt dưới sự lãnh đạo của các vị Tứ nghiệp hoặc Tế tửu (như giám đốc ngày nay) mà tài năng và đức độ từng nổi tiếng trong lịch sử Chu Văn An, một nhà nho đầy khí phách và tài năng; Ngô Sĩ Liên, một sử gia cấn trọng; Lê Quý Đôn một học giả uyên thâm,…
Từ năm 1482, Lê Thánh Tông, một ông vua nổi tiếng hay chữ chủ súy Hội Tao Đàn đã cho dựng bia đá, khắc tên những người thi đỗ tiến sĩ. Vì thế mà một “rừng bia” đã được dựng lên theo từng khoa thi. Theo tài liệu để lại, đáng lẽ phải 106 tấm, nhưng cho đến nay chỉ còn 82 tấm đặt trên lưng những con rùa đá đồ sộ.
Trong số 1306 ngưòi thi đỗ, có tên trên bia, có thể đọc thấy tên một số danh sĩ như Lương Thế Vinh (1441 –?), Lê Qúy Đôn (1726 – 1783), Ngô Sĩ Liên (đỗ tiến sĩ năm 1544), Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) và rất nhiều người khác.
Đến đời Nguyễn, Thủ đô bị dời vào Huế. Quốc Tử Giám chỉ còn là Văn Miếu thờ Không Tử. Năm 1946, thực dân Pháp xâm lược nước ta, đã đốt phá gần hết Văn Miếu. Từ năm 1954, năm giải phóng Thủ đô đến nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được trùng tu sửa sang, xây dựng lại, đúng quy cách như xưa, nhưng đẹp đẽ hơn nhiều.
Nằm ở phía tây nội thành Hà Nội, trên một khoảng đất rộng, Văn Miếu là một khu di tích lịch sử, đẹp đẽ, trang nghiêm và còn nhiều tư liệu quý.
Trước cổng, có một hồ nhỏ, có đảo, gọi là Văn Hồ. Qua một cổng, có 4 cột trụ là một cổng lớn xây theo kiểu tam quan, có gác chuông và hai cổng phụ nhỏ hai bên, trên cổng còn rõ chữ Văn Miếu Môn. Trước và sau cổng có hai đôi rồng đá, tạc từ thời Lê. Qua một đoạn đường lát gạch là cổng Đại Trung và hai cổng nhỏ: Thành Đức và Đạt Tài. Lại qua một đoạn đường nữa đến Khuê Văn Các. Đây là một công trình độc đáo, được dựng lên năm 1805, với tám mái cong, xinh xắn, trên gác có cửa hình tròn, có những con tiện tỏa ra như nhũng tia sáng của một ngôi sao lớn: ngôi sao Khuê, tượng trưng cho văn học.
Bên trong và sát với Khuê Văn Các là một giếng hình vuông, quanh năm nước xanh trong vắt: Thiên Quang Tỉnh (giếng chứa ánh sáng mặt trời). Khuê Văn Các với Thiên Quang Tỉnh qua cửa số hình tròn và mặt giếng hình vuông, theo quan niệm của người xưa nói về vũ trụ: trời tròn, đất vuông.
Hai bên giếng Thiên Quang là khu nhà bia. Những tấm bia đá đồ sộ, đã trải mưa nắng bão dông qua hàng trăm năm, có tấm bị nứt, có tấm đã mờ, có tấm rêu phong; thậm chí có tấm đã bị triều đình nhà Nguyễn đục đi mất một số tên tiến sĩ – những nhân sĩ tiến bộ đã làm việc với nhà Tây Sơn.
Vào khu vực này, lòng ai mà không xúc động về nền văn hóa và ý thức bảo tồn văn hóa, trọng người hiền tai của cha ông ta từ xưa?
Qua hết khu vực này đến phần chính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Một chiếc sân khá rộng, lát gạch Bát Tràng cổ, hai bên là tả vu và hữu vu. Cuối sân là nhà Bái Đường và Chính điện, xây dựng vào cuối thế kỉ XIII với nhũng hàng cột gỗ lim vững chãi, nâng những cánh mái cong vút tám đầu đao.
Văn Miếu không những đẹp về cách sắp xếp các kiến trúc qua nhiều cửa cách nhau bằng những lối đi dài hun hút, tạo ra khung cảnh chờ đợi của người đi vào, mỗi bước đi lại mở ra một ảnh trí mới lạ, một công trình mới lạ, mà Văn Miếu còn đẹp vì những hàng cây cổ thụ, tỏa bóng um tùm mát rượi xuống những công trình cổ; những lối đi lát gạch vòng vèo và những thảm cỏ xanh bốn mùa không đổi. Những chiếc hoa gạo, lá xoài, lá đa rụng lác đác như những cánh hoa thêu nhiều màu trên nền xanh biếc.
Từ năm 1954 đến nay, Văn Miếu được chọn làm nơi tổ chức những cuộc vui chơi giải trí tao nhã của Thủ đô trong những dịp ngày lễ, ngày Tết như ca nhạc, ngâm thơ, chơi chim…
Đặc biệt Tết năm 1962 trong một buổi ngâm thơ đón xuân những bài thơ hay đang được trình bày thì có một cụ già từ ngoài cửa bước vào. Nhưng mọi người nhận ra ngay và cùng reo lên: Bác Hồ! Bác Hồ! Đúng! Đó là Hồ Chủ tịch. Người đã ngồi nghe ngâm thơ suốt buổi và sau đó tặng các cụ hai câu thơ:
Tuổi già nhưng chí không già
Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh.
Hiện nay Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chăm sóc chu đáo. Cây cỏ được chăm bón và trồng thêm, bổ sung thường xuyên. Khu vực bia tiến sĩ được vẽ sơ đồ, có chú thích từng tấm ra đời năm nào, ghi tên tiến sĩ khoa thi nào…Gian chính diện dùng để trưng bày một số tư liệu văn học nghệ thuật của Thủ đô và của các danh nhân viết về Thủ đô qua nhiều thế kỉ.
Văn Miếu – Ọuốc Tử Giám là niềm tự hào chung của chúng ta. Nó là chứng tích rất cụ thể của nền văn hiến trải hàng ngàn năm vẫn sừng sững tính dân tộc, không một thế lực nào đụng chạm được vào nó.
(Theo Băng Sơn, Hà Nội rong ruổi quẩn quanh, 2013)
>> Xem thêm Đề 22: Giới thiệu về một di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh(Vịnh Hạ Long) tại đây.
Tags:Đề 21 · Văn chọn lọc 9 · Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Theo hoctotnguvan.vn