Đề 57 – Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Thói dối trá và suy thoái đạo đức
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tường đạo lí.
– Giải thích khái niệm thói dối trá có nghĩa là gì?
– Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho sự dối trá?
– Bàn luận, mở rộng vấn đề: một con người luôn dối trá thì có nhận được sự tin yêu, tin cậy của mọi người xung quanh hay không?
– Cảm nghĩ cùa em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)
– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
– Thói dối trá được xem là một thói xấu mà chúng ta cần phải tránh.
– Vậy thói dối trá đã có ảnh hưởng như thế nào đối với chúng ta?
II. THÂN BÀI
a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
– Thói dối trá có nghĩa là gì? => Dối trá là không trung thực, lừa dối người khác, tạo ra cái ảo để gây điều tin tưởng cho người khác nhằm mục đích vụ lợi, làm mất đi chuẩn mực của đạo đức.
b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao?)
Người có thói dối trá là người như thế nào?
Đó là người luôn thích nói sai sự thật ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Dường như việc nói dối là một việc thường ngày của họ khiến cho mọi người không thể tin tưởng được.
Tại sao chúng ta phải loại bỏ thói dối trá này?
+ Vì nỏ là một thói quen rất xấu, một tính nết xấu làm suy đồi về mặt đạo đức của chúng ta.
+ Bởi vì nó khiến cho mọi người xung quanh có cái nhìn không tốt về ta.
+ Làm mất đi tình cảm quý báu của con người với nhau.
+ Dẫn chứng: Trong việc học tập, mặc dù được điểm 10 đỏ chói nhưng thực chất là do quay bài, chép bài của bạn mà có. Hay trong công việc, ta thường làm qua loa, sơ sài cho xong việc một cách gian dối,…
c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề
– Để khắc phục được thói dối trá này, ta cần phải giáo dục các em từ nhỏ về đức tính trung thực. Người lớn cần làm điều tốt, điều đúng để làm gương cho các em. Dạy các em những bài học đạo đức đúng đắn.
III. KẾT BÀI
– Thói dối trá là đức tính xấu cần loại bỏ.
– Riêng bản thân em sẽ luôn phấn đấu, trau dồi rèn luyện thêm về đức tính trung thực.
BÀI VĂN THAM KHẢO
BÀI VĂN 1
Trong đời sống hiện nay, có rất nhiều đức tính không tốt đang tồn tại ở trong mỗi con người chúng ta mà nổi bật trong đó là thói dối trá, được xem là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội. Vậy ta hiểu “dối trá” là như thế nào?
Quả đúng như vậy, dối trá là không trung thực, lừa dối người khác, tạo ra cái ảo để gây điều tin tưởng cho người khác nhằm mục đích vụ lợi, làm mất đi chuẩn mực của đạo đức. Thói dối trá đang tồn tại trong các lĩnh vực cùa đời sống như trong công việc thì lừa gạt, khoét tiền của công ty và trong trường lớp thì coi tài liệu, chép bài của bạn để nộp cho thầy cô. Thói dối trá làm thiệt hại đến vật chất và tinh thần của xã hội.
Nguyên nhân có sự tồn tại của thói dối trá ở con người là trình độ học vấn không đủ để lo cho bản thân, những thói xấu từ cha mẹ truyền qua con cái, từ môi trường xung quanh tác động đến mỗi người từ đó mà sinh ra những thói hư, tật xấu. Cho nên dối trá nhằm mục đích gì đều là tội lỗi, vô đạo đức.
Hậu quả của thói dối trá là khi đi đâu cũng bị người khác chê bai, coi thường, xa lánh, mất đi sự tin tưởng của mọi người, xem mình như kẻ tội đồ, rác rưởi. Từ một người có đạo đức, trở thành một người vô đạo đức. Không còn ai quan tâm và họ xem như mình không hề tồn tại trong xã hội.
Chính vì thế chúng ta cần có những biện pháp khắc phục để xã hội không còn những thành phần xấu gây ảnh hưởng không tốt đến mọi người xung quanh. Chúng ta nên giáo dục thói quen trung thực cho con em từ nhỏ, đặc biệt là những mầm non của tương lai, cho chúng biết thế nào là những đức tính tốt cần phải học, những tính cách xấu nên tránh xa và tự khắc phục; cho chúng xem hay đọc những bộ phim hay truyện cố tích mang tính giáo dục cao. Còn người lớn thì phải biết suy nghĩ điều gì hay/ dở; điều gì tốt hoặc xấu trước khi làm và cũng để làm gương cho thế hệ sau này.
Đối với chính tôi, thói dối trá là một đức tính xấu cần bị loại trừ, vì nếu tôi có đức tính xấu này thì tôi sẽ mất đi tình bạn bè, trở thành gánh nặng của xã hội. Vì vậy tôi cho rằng thói dối trá là thể hiện sự suy thoái đạo đức trong xã hội hiện nay.
Tóm lại, thói dổi trá là một đức tính xấu của con người. Người có thói dối trá là một con người vô đạo đức, bất chấp thủ đoạn để lấy cái lợi về cho bản thân, làm cho con người mất đi sự tin tưởng lẫn nhau.
(Bài làm của HS)
BÀI VĂN 2
Trong cuộc sống hiện nay, dối trá không chỉ là một thói xấu mà nó đã lan ra thành một dịch bệnh nguy hiểm khó chữa, gây ra những tác hại nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy có nhận định cho rằng: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội”. Vậy qua câu nói trên, ta rút ra được bài học gì?
Quả thật vậy, thói dối trá là một biểu hiện sự suy đồi của đạo đức. Dối trá là không trung thực, không thành thật, hành động và lời nói không ăn khớp với nhau. Còn suy đồi về đạo đức là không tuân theo những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Ta hiểu cả câu nói này có ý nghĩa là khi ta nhiễm phải thói dối trá thì nhân cách, đạo đức của chúng ta cũng bị lây nhiễm bởi cái xấu và chắc chắn đó là điều không tốt.
Thói dối trá quả là một biểu hiện của suy đồi đạo đức bời vì nó đã làm cho mọi người nhìn nhận không đúng với ý đồ của mình, khiến cho họ làm sai. Đây quả là một hành động sai trái gây hậu quả đáng tiếc, gây ra nhiều tác hại nguy hiểm về mặt đạo đức, làm cho cuộc sống không ổn định, mất thăng bằng. Nó còn tạo ra sự căm ghét, trong lòng người khác khi những người đó biết mình bị lừa dối, tạo ra những suy nghĩ và hành động đáng tiếc của những người bị lừa dối với những người lừa dối họ. Dối trá cũng gây ra nhiều thiệt hại trong nhiều lĩnh vực như kinh tế có vụ việc Vinashin đã lừa dối mọi người ăn chặn hàng trăm ngàn tỷ đồng, gây thiệt hại to lớn. Hoặc là vụ việc bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã “nhân bản” hàng loạt bảng xét nghiệm, làm cho bệnh nhân hiểu sai về bệnh của họ, gây ra phương pháp chữa trị sai, khiến cho nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân phát sinh thói dối trá này bắt nguồn từ sự tha hoá, biến chất, ích kỷ, tham lam, nó còn là những nhận thức lệch lạc về quan điểm sống của con người. Do ý muốn tiến thân quá lớn mà con người đã sử dụng những lời nói dối để tiến thân. Vì vậy mà ta cần phải có những biện pháp ngăn chặn ngay từ trong gia đình, nhà trường phải tôn trọng và ngăn chặn những việc suy thoái về đạo đức ngay từ khi mới bắt đầu, và bản thân mọi người cũng phải ý thức được việc hôm nay ta có thể nói dối nhưng không thể nói dối mãi mãi được.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những lời nói dối mang tính nhân đạo, nhằm mục đích giúp đỡ người khác, đặc biệt là trong các trường hợp những người bệnh nan y hoặc khi muốn giấu đi một sự thật có thể gây nguy hiểm cho ai khác. Mặc dù vậy sống trung thực là một biểu hiện của người có nhân cách cao đẹp, nhưng người nói dối thì có đầy vì vậy chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh để loại bỏ thói nói dối trong bản thân chúng ta.
Tóm lại, thói dối trá quả là một biểu hiện của sự suy đồi đạo đức. Và tôi cũng phải rèn luyện bản thân, kiên quyết và đấu tranh cho sự thật góp phần xây dựng xã hội phát triển và văn minh hơn.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 58: Suy nghĩ về lời dạy của Bác “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” tại đây.
Tags:Đề 57 · suy thoái đạo đức · Thói dối trá
Theo hoctotnguvan.vn