Đề 58 – Bàn về lời dạy của Bác Hồ – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Bàn về lời dạy của Bác về đức và tài
ĐỀ 58: Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Bác Hồ có dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Nêu suy nghĩ của em về lời dạy trên.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí thông qua một câu câu nhận định (Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó)
– Giải thích khái niệm tài và đức có nghĩa là gì?
– Mối quan hệ giữa tài và đức được thể hiện như thế nào trong cuộc sống?
– Bàn luận, mở rộng vấn đề: một con người có tài nhưng không có đức thì như thế nào? Và một con người có đức độ tốt mà lại không có năng lực thì sẽ như thể nào?
– Cảm nghĩ của em về hai khái niệm trên? (chúng bổ trợ cho nhau hay bài trừ lẫn nhau?)
– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
– Tài và đức được xem là hai mặt để tạo nên thành công của một con người. Bác Hồ có dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Vậy tài và đức có mối quan hệ với nhau như thế nào?
II. THÂN BÀI
a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
– Có tài mà không có đức là người vô dụng có nghĩa là gì? => Nghĩa là một người tuy có tài năng thật sự nhưng về mặt đạo đức không có thì cũng trở thành một kẻ vô dụng, không được mọi người trọng dụng.
– Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó có nghĩa là gì? => Nghĩa là một người có đức độ, có phẩm chất đạo đức tốt đẹp nhưng lại không có năng lực trong công việc thì khi làm việc gì cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không thuyết phục được mọi người.
b. Đưa ra mối quan bệ giữa đức và tài
+ Đức và tài có thể nói có mối quan hệ qua lại với nhau. Nếu như một người có đức nhưng không có năng lực làm việc thì rất khó để hoàn thành công việc được giao. Còn người có năng lực, tài năng nhưng đức độ, đạo đức, phẩm chất không có thì dù tài giỏi mấy cũng không được mọi người hưởng ứng, ủng hộ.
+ Do vậy, theo lời dạy của Bác nếu chúng ta có tài năng thực sự thì cần phải trau dồi, rèn luyện thêm về mặt phẩm chất, đạo đức. Rèn luyện thêm về cách cư xử, giao tiếp với mọi người xung quanh. Còn đối với người có phẩm chất đạo đức tốt thì cần phải tự mình học hỏi, trau dồi thêm về chuyên môn, năng lực cùa mình để đáp ứng nhu cầu của công việc.
III. KẾT BÀI
– Nói chung, đức và tài là hai mặt chúng ta cần phấn đấu hướng đến để đạt được cả hai để dần dần hoàn thiện bản thân.
– Riêng bản thân em sẽ trau dồi, rèn luyện không chỉ về năng lực học tập mà còn về mặt đạo đức của mình nữa.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Hiện nay trong cuộc sống của chúng ta, thanh niên học sinh có suy nghĩ rằng chỉ cần đạt mục đích duy nhất là cố học thành tài, xem nhẹ việc rèn luyện đạo đức. Còn có người học chưa tốt mà không chịu rèn luyện và cố gắng học tập để phục vụ cho xã hội. Để khuyên dạy học sinh phải chú trọng trau dồi cả tài lẫn đức, Bác Hồ dạy rằng: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vì vậy ta hiểu “tài” và “đức” là như thế nào?
Quả đúng như vậy, có tài là có đầu óc, có kiến thức, kinh nghiệm và có bản lĩnh để hoàn thành tốt công việc với hiệu quả cao. Cũng có thể giải quyết tất cả những vấn đề với một kết quả tốt nhờ có nhiều phương pháp hiệu quả, sáng tạo. Còn có đức là có thái độ, ý thức làm chủ bản thân, tôn trọng và trung thực với mọi người. Kính trọng người lớn hơn, nhường nhịn kẻ thấp hơn mình, yêu thương, đóng góp phần sức để giúp đỡ mọi người, tận tuỵ phục vụ cho quê hương, đất nước.
Vậy thì tại sao thanh niên phải có cả tài lẫn đức? Vì thanh niên dù có tài giỏi đến mức nào mà lương tâm, đạo đức không có thì cũng sẽ trở thành thành phần xấu của xã hội, là người vô dụng. Còn chỉ có đức thì được mọi người yêu mến, quý trọng nhưng không có tài năng gì thì không thể giúp được cho người khác mà còn khiến mình trở nên khó khăn trong công việc, khó mà giải quyết tốt và có kết quả không như mong muốn. Một học sinh có hạnh kiểm tốt nhưng học lực lại đạt trung bình, một cán bộ quản lí có nhiệt huyết nhưng trình độ văn hoá, chuyên môn kém thì sẽ sai sót, dẫn đến thất bại.
Vậy giữa “tài” và “đức’’ chúng có mối quan hệ như thế nào? Chúng ta sống hay làm việc cần phải có tài năng, đạo đức thì mới trở thành người hoàn thiện. Đạo đức được thể hiện rõ qua hành động đúng đắn. Còn tài năng thể hiện qua thành quả công việc. Vì vậy chúng ta cần có tài năng lẫn cả đạo đức để hoàn thiện bản thân, ứng xử và hành động đúng cách, thành công trong cuộc sống và công việc. Cho nên tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt rèn luyện đạo đức để đáp ứng đối với lời dạy của Bác Hồ.
Tóm lại, thanh niên học sinh cần trau dồi cả đức lẫn tài để trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 59: Suy nghĩ của em về hiện tượng: ” Học sinh hiện nay không thích đọc sách” tại đây.
Tags:Đề 58 · Đức và tài · Lời dạy của Bác
Theo hoctotnguvan.vn