Để làm tốt bài văn nghị luận lớp 9
Hướng dẫn
Để làm tốt bài văn nghị luận 9
I. ĐẶC ĐIỂM VÀ YÊU CẦU CỦA VĂN NGHỊ LUẬN
Trong đời sống, người ta luôn luôn phải bày tỏ ý kiến của mình về những hiện tượng tự nhiên, xã hội xảy ra xung quanh. Một cuộc thảo luận, một cuộc họp, một vấn đề trong cuộc sống, một chính sách mới, một tác phẩm nghệ thuật,… đều đòi hỏi mọi người bày tổ thái độ của mình. Khác với lối bày tỏ bằng cảm xúc trong văn biểu cảm, việc bày tỏ ý kiến trong văn nghị luận nhằm giải thích, chứng minh, thuyết phục người nghe, người đọc một tư tưởng, một quan điểm nào đó.
Muốn cho người đọc người nghe cũng hiểu như mình, đồng tình và ủng hộ quan niệm của mình, người viết văn nghị luận phải có những luận điểm rõ ràng, có lí lẽ đúng đắn, chặt chẽ đúc rút từ sách vở, từ đời sống ; có những dẫn chứng đáng tin cậy, thuyết phục.
Mỗi bài văn nghị luận đều phải có luặn điểm, luận cứ và lập luận để dẫn đến luận điểm. Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức khẳng định (hay phủ định), được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán. Luận điểm là linh hồn của bài viết. Luận điểm đúng đắn, chân thật, đáp ứng nhu cầu thực tế thì mới có sức thuyết phục. Ví dụ trong bài Chống nạn thất học, luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Phải nông cao dân trí, muốn nâng cao dân trí thì phải chống nạn thất học, cụ thể là mỗi người Việt Nam phải biết đọc, biết viết. Trong bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt, luận điểm chính ià: Tiếng Việt của chúng ta là một thứ tiếng vừa giàu, vừa đẹp. Đó là quan niệm, là cách đánh giá của nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai.
Luận điểm mà người viết nêu ra muốn có tính thuyết phục phải có hai yếu tố quan trọng. Đó là phải được đảm bảo bằng luận cứ chắc chắn và lập luận chặt chẽ. Luận cứ là lí lẽ, dẫn chứng đưa ra làm cơ sở cho luận điểm. Trong bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu luận điểm: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Luận điểm này được đảm bảo bằng luận cứ rút ra từ sự thực lịch sử các thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… được đảm bảo bởi luận cứ lấy từ cuộc kháng chiến chống Pháp ở mọi miền, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp.
Lập luận là cách đưa ra lí lẽ, cách sắp xếp các luận cứ để dẫn đến kết luận nêu trong luận điểm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong bài Đức tính giản dị của Bác Hồ đã nêu lên luận điểm: Bác là nhà cách mạng có sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống vô cùng giản dị và khiêm tốn. Để chứng minh cho luận điểm này, tác giả đã nêu các luận cứ và trình bày theo trình tự: Bác giản dị trong bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống. Mỗi luận cứ đều có các dẫn chứng cụ thể có thể kiểm chứng được dễ dàng.
II. CÁCH LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN
1. Quy trình làm bài văn nghị luận
Bài văn nghị luận cũng được làm theo quy trình chung của một bài tập làm văn gồm 4 bước: tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết bài và sửa bài. Muốn viết được bài văn nghị luận thành công thì phải tìm hiểu đề và tìm được các ý cho đề bài đó. Sau khi tìm được ý (theo cách lập ý thường gặp dưới đây) sẽ lập dàn ý và viết bài. Trong khi viết có thể bổ sung, thêm bớt ý cho dàn bài hoàn chỉnh. Bước cuối cùng là soát lại bài viết, nhất là sửa các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.
2. Cách lập ý cho bài văn nghị luận
Muốn lập ý cho bài văn nghị luận, đầu tiên cần phải đọc kĩ đề bài để xác định luận điểm. Người viết cần xác định đúng vấn đề, phạm vi, tính chất của nó. Luận điểm chính đòi hỏi cần bàn bạc, cho ý kiến là gì? Tuỳ theo đề bài thuộc loại nào (giải thích, ca ngợi, khuyên bảo, nhắn nhủ, suy nghĩ, bàn luận, tranh luận, phản bác,…) mà xác định luận điểm chính cho phù hợp.
Tiếp theo là tìm luận cứ cho luận điểm. Thông thường muốn tìm luận cứ phải đưa ra câu hỏi: Vấn đề cần bàn bạc là gì? Định nghĩa như thế nào? Vì sao lại có nhận xét như vậy? Điều đó có lợi hay có hại, lợi hại cụ thể như thế nào? Các lí lẽ và dẫn chứng nào có thể phục vụ cho việc thuyết phục mọi người?
Sau khi tìm các luận cứ, phải xây dựng lập luận, tức là phải tổ chức, sắp xếp các lí lẽ, luận cứ theo một trình tự nhất định để luận điểm của người viết có sức thuyết phục.
Theo hoctotnguvan.vn