Kể về một cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội – Ngữ Văn 9

Kể về một cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội – Ngữ Văn 9

Hướng dẫn

Kể về cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội

Đề bài

Kể về một cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội nhân ngày thành lập Quân đội 22 – 12. Trong buổi gặp đó, em thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình với thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc.

1. Yêu cầu

– Kể chuyện có nhiều nhân vật, trong một sinh hoạt đông vui và xúc động của tình cảm quân dân.

– Phải biết xây dựng câu chuyện của các chú bộ đội kể cho nghe ; đó là những kỉ niệm chiến trường (đánh trận, tình đồng đội, tình cảm hậu phương,…).

– Câu chuyện có hai phần: lời kể của chú bộ đội ; cảm nhận và lời phát biểu của bản thân người kể (có thể kể lồng vào nhau, cũng có thể kể tách biệt).

2. Gơi ý

– Cần chọn được câu chuyện chú bộ đội đã kể để xây dựng truyện.

– Cần có những chi tiết gợi sự hứng thú và xúc động cho người đọc.

– Cần kể lại cảm tưởng, suy nghĩ của người kể lại và những người tham gia.

– Chú ý lời kể và đối thoại.

– Sử dụng miêu tả và biểu cảm để tái hiện sinh động, hấp dẫn nội dung lời kể của chú bộ đội.

– Lời phát biểu đáp lại đảm bảo hai ý: cảm ơn và xác định được trách nhiệm của học sinh đối với đất nước.

3. Lâp dàn ý

a. Mở bài

– Ngày kỉ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22 – 12) thực sự trở thành ngày hội của quân dân cả nước.

– Trường tổ chức (đi thăm các chú bộ đội biên phòng – đơn vị kết nghĩa với trường.)

b. Thân bài

* Giới thiệu công việc tổ chức, chuẩn bị của thầy trò.

– Không khí lúc đầu gặp gỡ.

– Vui vẻ, nhộn nhịp, đón tiếp nồng hậu.

– Trang trí, khẩu hiệu, hoa, bàn ghế, khăn trải bàn, bánh kẹo,…

– Tham quan phòng truyền thống, nơi ăn chốn ở, nơi tập luyện thể thao, vườn rau, chuồng trại chăn nuôi… (nếu có).

* Nghe kể chuyện (trọng tâm)

– Câu chuyện xảy ra trong cuộc sống chiến đấu của người lính nơi biên cương (hoặc hải đảo, rừng núi)

– Nhân vật trong đó là người kể hoặc đồng đội (còn sống hay đã hi sinh) mà người kể chứng kiến.

– Chuyện có những tình huống gay cấn, bất ngờ, khắc sâu ý nghĩa giáo dục.

– Miêu tả diễn biến tâm lí của học sinh khi nghe chuyện.

* Đại diện học sinh lên đáp lời (người viết truyện): cảm ơn, tự hào, hứa hẹn tiếp bước cha anh để bảo vệ và dựng xây đất nước.

c. Kết bài: Mong muốn tổ chức nhiều cuộc giao lưu để nâng cao hiểu biết và đời sống tâm hồn thêm phong phú.

4. Bài làm minh họa

Chúng ta được sống trong hoà bình, được hưởng cuộc sống yên vui, được đi học là nhờ công sức của bao người chiến sĩ năm xưa. May mắn thay, tồi cũng có lần được cùng các bạn tham dự một cuộc gặp mặt với các chú bộ đội và cựu chiến binh nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, một cuộc gặp đã làm cho tôi hiểu hơn cuộc sống của cha anh trước đây và mang đến çho tôi thật nhiều xúc cảm mới.

Xem thêm:  Dàn ý Thuyết minh về con bò lớp 9

Hôm ấy, các anh chị phụ trách ở Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội tổ chức đi thăm một đơn vị bộ đội. Từ 7 giờ 30, mấy chục thiếu niên chúng tôi – được lựa chọn từ các câu lạc bộ Ngoại ngữ, Tin học, Cờ vua,… đã tập hợp đầy đủ trên sân của cung văn hoá. Ai nấy xúng xính trong bộ đồng phục quần trắng áo trắng nẹp chỉ đỏ, mũ ca lô đội lệch tươi vui. Khăn quàng đỏ bay trong nắng ấm. Toàn đội chúng tôi xếp hàng đi tới phố Phạm Ngũ Lão ngay gần đấy. Còn cách cổng chừng 30 mét, chúng tôi dừng lại rồi đi đều theo tiếng trống hùng dũng và lá cờ Đội, cờ Tổ quốc bay phấp phới trên đầu hàng ngũ. Ba-ri-e mở cao lên cho chúng tôi bước vào. Anh bộ đội bảo vệ giơ tay chào làm chúng tôi thấy thật hãnh diện. Chúng tôi bước vào một hội trường khá rộng. Khẩu hiệu, cờ đỏ treo trang trọng. Các anh bộ đội mặc quần áo xanh, thắt lưng chỉnh tề, đội mũ kê-pi có vành đỏ thắm. Các chú sĩ quan mặc đồ màu trắng ngà, trông thật oai.

Cuộc mít tinh kỉ niệm diễn ra ngắn gọn, trang trọng mà ấm cúng. Câu lạc bộ mà chúng tôi tham gia lên tặng hoa, hát và chúc mừng các chú bộ đội. Sau đó, chúng tôi được mời gặp và nói chuyện với các chú về kỉ niệm chiến trường xưa. Một gian phòng rộng tràn ngập ánh sáng, hoa tươi và rất nhiều bánh kẹo ngon chờ đợi chúng tôi, Chúng tôi ùa vào, háo hức ngồi vào chỗ…

Bác Phó tư lệnh ân cần nói chuyện với chúng tôi, khen chúng tôi sáng sủa, ngoan ngoãn, mong chúng tôi học giỏi. Rồi bác nhường lời để các chú bộ đội và các bác cựu chiến binh tâm sự, kể chuyện. Các chú đã kể chuyện đi bộ đội như thế nào, tập luyện ra sao, vào chiến trường bom đạn thật là ác liệt… nhưng các chú vẫn luôn luôn vững vàng, hăng hái chiến đấu. Nhiệm vụ của thanh niên là bảo vệ Tổ quốc, hi sinh gian khổ là điều đã trở nên bình thường trong cuộc sống của người bộ đội.

Tôi nhớ nhất câu chuyện của bác Trần Mạnh Tuấn – một trong những người đã tham gia làm nên lịch sử đất nước. Ngồi trên xe lăn, cái nhìn của bác thật thẳng, tươi như đang cười. Khuôn mặt dạn dày sương gió của bác ánh lên một niềm hạnh phúc, sự thanh thản với cuộc sống. Ngay lập tức, tôi cảm thấy bác thật cởi mở, thân thiện. Chúng tôi được biết, hồi còn trẻ bác đã tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Bác bị thương nhiều lần, và lần ấy bị thương rất nặng. Bác phải nằm trạm xá, những luôn luôn phải ở dưới hầm. Bên ngoài, vẫn có máy bay, bom đạn nổ không ngừng. Bác ngày càng yếu đi và đến lúc bác nghĩ rằng mình cũng không thể sống được nữa. Hôm ấy bác bảo mọi người thôi cứ để bác ra ngoài. Chắc mọi người cũng hiểu đớ là ước muốn cuối cùng của bác, nên không ai can ngăn. Bác lết ra được đến giữa trảng cỏ. Đến lúc đó, bác thấy được sống thật là sung sướng. Bầu trời, cây cỏ chưa bao giờ đẹp như thế. Lâu lắm rồi bác mới thấy, những làn gió mát thổi mênh mang… Thật kì lạ là lúc đó không có máy bay, không một tiếng súng. Ớ mặt trận vẫn thường có những phút giây tĩnh lặng như vậy – “sự im lặng giữa tiếng súng” – đấy là lời bác Tuấn gọi khoảnh khắc đó. Vậy là, vào cái lúc bác nghĩ rằng chiến tranh đã kết thúc cuộc sống của mình thì chính cuộc sống mênh mang, tươi mát mà bác yêu quý bao nhiêu lại ùa trở lại bên bác. Thế rồi bác không chết, như một sự thần kì của phép màu cổ tích… Thậm chí từ ngày hôm đó sức khoẻ bác cứ trở lại dần. Nhưng đôi chân của bác thì mãi mãi không hồi phục được. Bây giờ, nhìn vẻ mặt tươi vui của bác, biết được những kì tích của bác, tôi tự nhủ chúng tôi hoàn toàn có thể noi gương bác để học hành, phấn đấu. Những khó khăn của chúng tôi bây giờ không thể nào so sánh được với những khó khăn mà cha anh ta đã trải qua.

Xem thêm:  Suy nghĩ về nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” của Nguyễn Du – Ngữ Văn 9

Rồi câu chuyện lại được quay trở về với một người đã đi xa vĩnh viễn, nhưng hình ảnh của cô luôn dạt dào trong trái tim những người còn đây. Các chú các bác nói nhiều đến cô bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, tới chất “lửa” như than hồng ủ nóng âm ỉ qua năm tháng. Tôi nghĩ những người chiến sĩ ấy đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho đất nước, cho hoà bình. Họ đã ra đi không ngần ngại, vẫn biết rằng mình có thể hi sinh, có thể bị thương, nhưng với tinh thần dũng cảm, họ đã cống hiến hết sức mình cho cuộc cách mạng. “Ớ bất kì đất nước nào trên thế giới, điều đó đều được gọi là anh hùng! ” – câu nói đó đã được thốt ra từ một người lính Mĩ, một người ở bên kia giới tuyến khi đọc được những dòng nhật kí của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Đó là những dòng suy nghĩ, những tư tưởng của một người con gái trong trắng và tràn đầy nhiệt huyết. Cuốn nhật kí đó đã đốt cháy tâm can của người lính Mĩ đã giữ nó. Những dòng nhật kí đó đã cho ta thấy sự hiền dịu của người nữ bác sĩ và sự kiên cường của người chiến sĩ. Cô không thôi thao thức, day dứt về bệnh nhân, về đồng đội của mình, coi đồng chí như anh em ruột thịt của mình. Và cô đã từng một mình chiến đấu với 120 lính Mĩ để bảo vệ đồng đội. Cuộc sống ấy khiến cô nhiều lúc tưởng chừng như kiệt sức nhưng cô vẫn tự nhủ mình phải thật mạnh mẽ để vượt qua bao nhiêu khó khăn. Quyển nhật kí đã khắc hoạ lại một thời kì lịch sử, khi con người sống trong bom đạn nhưng tâm hồn vẫn chứa đựng bao nhiêu yêu thương.

Cuộc gặp gỡ sôi nổi và hào hứng quá, nhưng thời gian đã hết. Các bác các chú còn phải làm việc, chúng tôi phải trở về trường học. Tất cả các bạn hướng vào tôi như tin tưởng gửi gắm việc cần phải làm tối thiểu trước lúc chia tay. Thật lạ, mọi khi phải lên như thế tôi rất ngại, không dám nhìn ai cả. Vậy mà hôm nay tôi thực sự muốn nói, muốn thể hiện ra bao tình cảm dạt dào trong lòng. Nếu không được nói ra e rằng sẽ nổ tung như quả bóng bay vậy. Tôi nói chậm rãi và rõ ràng: “Hôm nay cháu rất vinh dự và may mắn được thay mặt toàn thể thiếu nhi Hà Nội đến thăm các chú các bác nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Những câu chuyện của các chú các bác làm chúng cháu rất cảm động. Chúng cháu hiểu rằng giờ đây là lúc chúng cháu phải học hành chăm ngoan để có thể tham gia xây dựng đất nước, nối tiếp trang sử vinh quang mà cha anh đã để lại. Chúng cháu hứa sẽ làm tốt nhiệm vụ đó, để đất nước Việt Nam độc lập thống nhất của chúng ta ngày càng giàu đẹp. Đó là cách tốt nhất để tỏ lòng biết ơn các chú, các bác các anh bộ đội kính yêu đã quên mình cống hiến sức lực và máu xương của mình cho đất nước.”. Nói xong, nhìn xuống tôi thấy ánh mắt hài lòng của các bạn. Và tràng pháo tay của các chú bộ đội vang lên giòn giã. Cũng chỉ là những lời tôi đã từng biết, nhưng hôm nay tôi nói với tất cả tấm lòng mình. Có lẽ vì thế đã khiến mọi người xúc động sâu sắc.

Xem thêm:  Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua chuyện “Chiếc lược ngà” – Ngữ Văn 9

Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng: mỗi thế hệ đều có nhiệm vụ của mình, và chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện thật tốt nhiệm vụ học tập để xây dựng đất nước của chúng ta tươi đẹp mãi mãi.

(Nguyễn Minh Châu, lớp 9A9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên,

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

⇒ Nhận xét

Bạn đã kể lại câu chuyện giao lưu với các chú bộ đội nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân 22 – 12. Không chỉ như một bài làm văn thông thường, bạn còn đặt tên cho bài viết của mình: Những người chiến sĩ năm xưa.

Nhìn chung câu chuyện diễn biến theo trình tự thời gian. Những đoạn miêu tả phần chuẩn bị, khi gặp gỡ và mít tinh có ý nghĩa làm nền, chuẩn bị cho câu chuyện. Bạn đã biết chọn câu chuyện của bác Tuấn làm điểm nhấn cho tất cả những câu chuyện khác được coi là bình thường trong cuộc sống của người chiến sĩ. Trong chuyện về bác Tuấn, bạn đã chọn chi tiết lòng khao khát sống làm cho bác chiến thắng cái chết để trở về. Câu chuyện về bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm được nối tiếp khá là tự nhiên, làm cho hình ảnh những người chiến sĩ năm xưa thêm cụ thể, sinh động.

Nếu như bạn kết hợp nhiều hơn việc miêu tả tình cảm của các bạn cùng đi thì sự trân trọng, khâm phục các chú bộ đội sẽ sâu sắc hơn. Miêu tả những xúc động của cá nhân mình là cần thiết, làm rõ tình cảm của mọi người với thế hệ cha anh. Nhưng câu văn: Nếu không được nói ra e rằng sẽ nổ tung như quả bóng bay vậy là một câu so sánh vụng.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *