Kể về một kỉ niệm đáng nhớ của thầy cô – Ngữ Văn 9

Kể về một kỉ niệm đáng nhớ của thầy cô – Ngữ Văn 9

Hướng dẫn

Kể về một kỉ niệm đáng nhớ của thầy cô

Đề bài: Nhân ngày 20 -11, kể lại một kỉ niệm đáng nhớ về thầy (cô) giáo cũ.

1. Yêu cầu

– Kể về thầy (cô) giáo cũ thông qua một câu chuyện đã xảy ra. Câu chuyện đó phải có một ảnh hưởng to lớn, một bài học thấm thìa hoặc một ý nghĩa sâu sắc.

– Câu chuyện được xây dựng từ những yếu tố hiện thực kết hợp với sự liên tưởng. Người kể cần tạo ra những tình huống bất ngờ, độc đáo.

– Người kể cần tham khảo, học tập những truyện ngắn đã học để tạo lập một văn bản tự sự về tình cảm thầy trò vừa trong sáng, đẹp đẽ vừa nhân hậu bao dung.

2. Gợi ý

– Thời gian ở đề cũng là một khía cạnh cần quan tâm khi kể chuyện (nhớ về câu chuyện xảy ra vào ngày 20-11 của quá khứ, hoặc ngày 20-11 hôm nay gợi nhớ về kỉ niệm xưa…).

– Nên tham khảo tư liệu về đề tài thầy cô giáo.

– Câu chuyện cần chọn lọc tình tiết cô đọng, tiêu biểu và giàu ý nghĩa.

– Chú ý: đối thoại khi kể, cần chọn lời nói của nhân vật thật tiêu biểu, thể hiện được tính cách.

– Người kể có thể vẫn còn đi học, có thể đã trưởng thành.

– Kỉ niệm có thể là vui, cũng có thể là buồn, miễn sao sau đó đọng lại bài học làm người sâu sắc.

– Nên sử dụng miêu tả – biểu cảm và độc thoại nội tâm nhân vật khi kể chuyện.

3. Lập dàn ý

a. Mở bài

– Không khí tưng bừng của ngày 20 – 11 ở trường, ở lớp, ở ngoài xã hội.

– Nghĩ về thầy cô và nhớ kỉ niệm về người thầy.

b. Thân bài

* Giới thiệu câu chuyện

– Không gian, thời gian, địa điểm.

– Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

* Kể chuyện

– Giới thiệu về người thầy (hoặc cô)

– Tả diện mạo, tính tình, những nét cơ bản về khả năng, công việc,…

– Tình cảm và sự đánh giá của học sinh với thầy (cô).

– Diễn biến câu chuyện (trọng tâm)

– Sự phát triển của các tình tiết.

– Vai trò chủ đạo của nhân vật trong truyện.

– Tình huống đặc biệt ; chú ý kể bằng giọng kể chuyện về hồi ức xưa.

* Kết thúc truyện và suy nghĩ của người kể

– Kết truyện: Những nhận thức sâu sắc trong tâm hồn, tình cảm (hoặc trong ý chí vươn lên, trong rèn luyện đạo đức…)

– Suy nghĩ: Yêu thương, kính trọng, biết ơn (độc thoại lời nhắn gửi tới thầy (cô) và bạn).

c. Kết bài: Câu chuyện là những kỉ niệm êm đẹp (hoặc đáng ghi nhớ) của tuổi thơ.

4. Bài làm minh họa

Hôm nay là ngày 20 – 11. Tôi trở về nhà sau một ngày thấm mệt cùng bạn bè đến thăm các thầy cô giáo cũ. Đúng là một ngày hội, chỉ toàn những điều vui và những tiếng cười. Tôi còn vui gấp bội khi lần này đến thăm cô Tâm – cô giáo chủ nhiệm của tôi hồi cấp 1, lại còn được thăm luôn cả em bé mới sinh của cô nữa. Tôi vừa bế em bé, vừa nói chuyện với cô một cách say sưa như một đứa con gái đang huyên thuyên những chuyện “trên giời dưới bể” với mẹ. Có lẽ đúng thế, tôi yêu và kính trọng cô như mẹ mình vậy (thậm chí đôi lúc còn hơn thế).

Cứ nghĩ lại ngày này cách đây sáu năm, tôi đã oán ghét cô như thế nào. Tôi không dám tin là mình đã có lúc như thế, mỗi khi nhớ lai, tôi lại mỉm cười chính mình…

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về sống chậm

Đó là câu chuyện thật xảy ra với chính bản thân tôi trong những ngày học cấp 1. Tôi vốn là một cô bé chăm chỉ và học giỏi nhất nhì lớp, lại được bố mẹ quan tâm săn sóc, bởi thế tôi hơi kiêu ngạo một chút, chỉ một chút thôi! Nhưng sự kiêu hãnh ấy rất có lí khi tôi được rất nhiều thầy cô giáo yêu quý, ngược lại tôi cũng rất yêu quý các thầy cô của mình. Đơn giản là tôi muốn có thật nhiều người yêu thương tôi như bố mẹ tôi mà thôi. Nhưng mọi chuyện đâu có chiều lòng người….

Mẹ bỗng đột ngột biến mất khỏi cuộc sống của bố con tôi. Tôi cứ tự hỏi tại sao lại có thể xảy ra điều đó được? Mẹ thật giả dối nhẫn tâm, tự ý ra đi mà chẳng hỏi tôi lấy một lời. Hồi đó tôi đã khóc rất nhiều, mặc dù không ai biết cả. Tôi lầm lì và đầy mặc cảm về hoàn cảnh của mình.

Bố cố công giải thích để tôi hiểu rằng mẹ bị hai bên ông bà dồn ép khi bố đóng quân ở hải đảo xa, lại còn thường xuyên theo tàu tuần tiêu hải phận nên không có điều kiện tìm hiểu kĩ. Tết ông bà báo cáo với đơn vị xin cho con trai về phép để cưới vợ. Có mấy ngày phép cũng chẳng kịp tìm hiểu kĩ tâm tư người bạn đời, có hiểu đâu mẹ vì nể hai bên ông bà hẹn hò từ khi hai đứa con cùng lọt lòng trong một ngày, lại cũng nể hình ảnh người lính từ ngoài chiến trường trở về, chả nỡ chối từ. Chỉ sau này, khi bố phục viên trở về, cuộc sống luôn gần gũi bên nhau mới bộc lộ những mâu thuẫn mà không có tình yêu rất khó bỏ qua. Bố càng thanh minh tôi càng thêm ghét mẹ, càng thêm yêu và thấy bố cao thượng.

Còn cô Tâm lại có cái tội là giống mẹ tôi đến sửng sốt, nếu nhìn từ xa hoặc từ đằng sau thì ai không nhầm lẫn mới lạ! Cô lại làm chủ nhiệm lớp tôi đúng vào thời điểm đó. Dù cố gắng đến đâu tôi cũng không giấu nổi sự khó chịu và ác cảm được. Tôi rất khó tin được cô là người ngay thẳng, thật thà. Người như cô ở trong truyện cô tích thường hay là yêu tinh hoặc là người lừa gạt trẻ em, nên mới hay giả vờ xinh đẹp, ngọt ngào. Nếu cô làm chủ nhiệm lớp tôi sớm nửa năm thôi thì tôi sẽ hân hoan về khoe với mẹ sự kì lạ đó. Nhưng bây giờ thì tôi giấu biến chả muốn bố bận tâm thêm tới một “người phụ bạc” nữa làm gì!

Cô Tâm giống mẹ tôi, mà mẹ là nói dối, thì chả có lẽ gì cô Tâm lại khác cả… Tôi đâm ra không thích học và muốn chống đối cô. Cô kể những câu chuyện vui, tôi chỉ bĩu môi. Cô thưởng kẹo cho những bạn học giỏi, tôi về vứt tọt đi. Những lúc cô cười, tôi nhìn cô mà thấy giả dối và xấu tính.

Có hôm tôi không làm bài tập cô giao. Cô hỏi:

-Tại sao con không làm bài? Con mệt à?

Tôi khó chịu trước cái giọng nhẹ nhàng ấy – y như mẹ – giọng của những người nói dối. Tôi trả lời trống không:

– Không thích làm.

Tôi nghĩ cô sẽ quát tôi rồi tức lên, rồi bỏ đi. Quả thật tôi đang đợi có ai chọc vào mình để được nói ra một trận cho bõ tức. Nhưng cô vẫn ân cần:

– Con trả lời cô như thế có đúng không? Dù thế nào thì con cũng không được phép trả lời cô giáo dạy mình như vậy!

Tôi cãi:

– Ai cũng luôn khen con ngoan. Chỉ có cô không yêu con nên mới chê con mà thôi. Thế cô có ngoan không?

Xem thêm:  Cảm nhận của em về hình tượng người lính trong bài thơ Đồng Chí

Tôi nói những câu liên tiếp không kịp nghĩ, như để trút hết những gì tôi muốn dành để oán trách mẹ. Tôi thấy cô đứng sững, sửng sốt, không nói được nên lời, các bạn cũng ngơ ngác. Tôi nói xong, rồi nghẹn ngào và nức nở. Tôi cảm nhận được vị mặn của nước mắt nóng hổi đang chảy giàn giụa trên má.

Thời gian cứ như thế trôi qua, điều kì lạ tiếp sau là cô rất quan tâm đến tôi. Nhưng tôi chỉ đáp lại sự chăm sóc, quan tâm đó bằng thái độ hờ hững hoặc những câu trả lời trống không, nhát gừng… Cho đến ngày 20-11 năm ấy… Cô Tâm mời cả lớp đến nhà chơi. Các bạn hân hoan chuẩn bị, riêng tôi không có ý định đi tí ti nào. Biết vậy, bố đã ép tôi bằng một thái độ cương quyết, và một lời hứa khi ở nhà cô về sẽ cho đì bơi thuyền. Tôi miễn cưỡng đi.

Đến nơi tôi nhìn thấy cô đang lúi húi trong bếp. Lần đầu tiên tôi để ý kĩ và thấy cô chẳng giống mẹ tôi chút nào. Mẹ tôi không thích vào bếp, chỉ thích rủ cả nhà đi ăn hàng. Còn cô thì vẻ thích thú hiện ra mặt khi được nấu nướng tiếp khách, nhất là đó lại là lũ học trò mà cô rất yêu. Gương mặt cô đẫm mồ hôi và cười thật tươi khi nhìn thấy lũ “quỷ sứ” chúng tôi. Cô kẹp tóc cao lên gọn ghẽ và trong bộ quần áo ở nhà, cô đúng là cô giáo Tâm chứ không phải mẹ tôi. Sao lúc đó tôi mới thấy hết sự vô lí của mình. Cô Tâm tốt đấy chứ, lại xinh nữa, giảng bài hay lại còn vui tính, tôi còn đòi hỏi gì ở cô nữa nào? Tôi cứ ngây người ra đến khi cô nói: “Ô kìa, sao thế, ăn kẹo đi con.”. Có gì như nỗi ân hận len lỏi trong tâm hồn tôi, sao tôi muốn khóc quá!

Cô khiến cả lớp bất ngờ một lần nữa khi lôi ra một cái hộp to đựng đầy bưu thiếp và phát cho từng đứa. Buồn cười thật, 20 – 11 cô giáo lại tặng quà cho học sinh. Đến giờ tôi vẫn cho rằng chỉ có cô Tâm mới haỵ làm những điều ngược đời như thế. Lũ bạn tôi giở ra xem ngay rồi hớn hở: “Cô khen tớ thông minh”, “Cô chúc tớ không nói chuyện trong lớp”,… Ai cũng vui vẻ và tranh nhau nói, cười, hỏi nhau rối rít, trừ tôi, mặc dù trong lòng thèm hồn nhiên như các bạn quá. Có cái gì như sự tinh tướng thì phải.

Hôm ấy, về đến nhà, tôi vội vã bóc quà ra xem, khác hẳn với tôi mọi khi, hờ hững, lạnh lùng, bất cần. Chiếc bưu thiếp của tôi thật xinh xắn và ngộ nghĩnh, trong đó có hình một cô bé rất dễ thương. Em mặc chiếc váy màu hồng điểm nhiều bông hoa nho nhổ đủ màu mà tôi rất yêu thích. Xung quanh cô bé có bao nhiêu người xúm lại, mỗi người đưa một bàn tay nâng bé lên thật cao. Cô cười giòn tan, một nụ cười đầy hạnh phúc. Mở tấm thiếp ra, tôi càng sững người khi đọc dòng chữ cô ghi: “Cô bé kia là con đấy! Con là một cô bé thông minh, ngoan ngoãn, vì thế mọi người ai cũng yêu con. Cô và cả mẹ con cũng thế. Cô chúc con sẽ luôn được mọi người yêu mến và con cũng sẽ yêu thương mọi người thật nhiều!”. Tôi đã ngây người ra, đọc đi đọc lại những nét chữ tròn trịa và hơi nghiêng, rồi tôi ôm tấm thiếp trong lòng và trùm kín chăn lại. Tôi đã khóc trong chăn, khóc vì ân hận, nhiều lắm, và vì vui nữa. Vui và nhẹ nhõm thật. Từ nay tôi sẽ yên tâm vì cô và mọi người ai cũng yêu tôi. Mà đã là cô nói thì làm sao sai được?

Xem thêm:  Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ dưới xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ – Ngữ Văn 9

Phải đến sau này, khi tôi lớn hơn và biết suy nghĩ hơn, tôi mới dần dần hiểu sâu sắc những điều cô nói. Không biết tôi thay đổi từ lúc nào, đã tin cô giáo, lại thấy mẹ đáng thương nhiều hơn đáng ghét. Tôi không oán mẹ nữa, đã biết giữ lại những món quà mẹ gửi từ xa về và thi thoảng viết thư cho mẹ mà không cần bố dỗ dành, giục giã. Mẹ đã sung sướng và bật khóc, cô nói đúng thật, mẹ vẫn yêu thương tôi như các bà mẹ khác. Trẻ con không nên để tình cảm phán xét người lớn. Quả thật cô đã dạy cho tôi không chỉ những bài thơ, những phép toán mà cả một bài học làm người, về tình yêu thương và lòng vị tha.

Tấm bưu thiếp luôn được tôi giữ cẩn thận như một kỉ niệm đáng nhớ nhất, dù nó đã hơi bị ố một chút, 6 năm rồi còn gì. Giờ thì tự tôi đã trải nghiệm và cảm nhận được ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống. Tôi hiểu rằng căm ghét ai đó chỉ khiến mình thêm mệt mỏi và đau khổ. Tha thứ và yêu thương người khác cũng là tha thứ và yêu thương chính mình. Và cái mình nhận được sẽ là thật nhiều tình yêu thương từ người khác. Thật thanh thản và hạnh phúc nhường nào khi biêt; rằng mình đang yêu thương và được yêu thương. Tôi có thể khẳng định, cho đến giờ, tôi có thể thích hay không thích người này, vừa lòng hay không vừa lòng người kia, nhưng tôi không oán ghét hận thù ai cả.

Đó cũng chính là lí do vì sao tôi đang sống rất vui vẻ, và mỗi lần gặp lại cô Tâm, tôi lại muốn mỉm cười….

(Nguyễn Thu Giang, lớp 9A2, Trường THCS Ngô Sĩ Liên,

Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

⇒ Nhận xét

Câu chuyện được người kể khẳng định là “câu chuyện thật” xảy ra hồi học Tiểu học – chuyện một học trò ghét cô giáo chủ nhiệm của mình chỉ vì cô giáo giống mẹ. Mà mẹ thì lại bỏ lại gia đình để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Cái lí để cô bé “bướng bỉnh và thù dai” rất chi là trẻ con. Oán giận mẹ, cô bé ghét luôn cô giáo Tâm vì cô giáo giống như mẹ. Nhưng cô Tâm, bằng lòng yêu thương và vị tha đã không chấp những hành động “chống đối” của cô học trò có hoàn cảnh không bình thường ; trái lại càng gần gũi và yêu thương cô bé đó hơn. Tấm bưu thiếp và nét khác biệt của cô giáo Tâm đã dần dần cảm hoá người kể chuyện. Câu chuyện kết thúc có hậu và triết lí mà người kể cũng đáng để suy ngẫm: Tôi hiểu rằng căm ghét ai đó chỉ khiến mình thêm mệt mỏi và đau khổ. Tha thứ và yêu thương người khác cũng là tha thứ và yêu thương chính mình.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *