Phân tích bài ca dao “ Lỗ mũi mười tám gánh lông …”

Phân tích bài ca dao “ Lỗ mũi mười tám gánh lông …” – Bài làm 1

Lỗ mũi mười tám gánh lông

Chông yêu chống bảo râu rồng trời cho

Đêm nằm thì ngáy o o,

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rạ cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu

van mau phan tich bai ca dao lo mui muoi tam ganh long Phân tích bài ca dao “ Lỗ mũi mười tám gánh lông …”

Trong kho tàng ca dao-tục ngữ Việt Nam, có rất nhiều câu nói về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống hàng ngày mà ông cha ta để lại. Thế nhưng cũng có rất nhiều câu ca dao là tiếng cười vui vẻ, cười châm biếm sau những giờ phút nông nhàn căng thẳng. Tuy nhiên, đằng sau đó cũng là rất nhiều những lời khuyên thấm thía. Bài ca dao “Lỗ mũi mười tám gánh lông……Hoa thơm rắc đầu” là một trong những bài ca dao về chủ đề này. Bài ca dao là tiếng cười về sự vô duyên quá đáng của một người con gái và sự khoan dung đến mức không thể tưởng tượng được của anh chồng, cũng là lời khuyên mọi người nên biết hành động một cách có chừng mực, phải biết đúng sai chứ đừng như vợ chồng nhân vật chính trong bài ca dao.

Mở đầu bài ca dao là phần tả về vẻ bề ngoài của cô gái:

“ Lỗ mũi mười tám gánh lông

Chông yêu chống bảo râu rồng trời cho”

Đây là một cách miêu tả một cách phóng đại, lông mũi mà lại tính bằng “gánh”, mà ở đây còn là tận “mười tám gánh”. Bình thường, người con gái phải rất chăm chút cho ngoại hình của mình, nhất là trong thời xưa, người con gái càng bị soi xét nhiều về vẻ bề ngoài. Vậy mà cô gái này lại để lông mũi mình bị người nhìn vào tả lại rằng mũi mình có cả gánh lông. Bình thường, gánh là để chỉ một khối khá lớn rơm, rạ, rau, cỏ, chứ ai lại lấy lông mũi đo bằng gánh bao giờ? Con số mười tám cũng chỉ là con số tượng trưng, để nói rằng lông mũi của cô gái này quá nhiều. Một người con gái như thế, có lẽ sẽ nhận được sự phê phán của ngay cả người thân nhất của mình. Tuy nhiên, người chồng của cô lại yêu cô đến mức ví lông mũi của cô như “râu rồng trời cho”. Rồng là một con vật tượng trưng cho một thế lực bí ẩn,khiến cho tất cả mọi người đều kính trọng. Râu rồng, đương nhiên cũng là một thứ rất đẹp, rất quý. Còn là thứ “trời cho”. Nghĩa là, anh chồng coi việc cô vợ mình có lông mũi là việc rất bình thường, thậm chí còn đẹp, còn đáng quý như những thứ được trời cho.

Vẻ bề ngoài đã thế, hành động của cô còn có vẻ vô duyên hơn:

“Đêm nằm thì ngáy o o

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà”

Trong xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ là một người lúc nào cũng phải nhẹ nhàng, kín đáo. Vậy mà cô gái nằm ngủ lại ngáy thành tiếng, ngáy to và kéo dài, ngáy o o. Tuy rằng việc một người đêm ngủ ngáy sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như do làm việc vất vả, do gen, do bệnh…., nhưng ở đây, câu ca dao này hẳn là muốn nhắc đến tư thế ngủ rất xấu, làm phiền đến người ngủ cùng. Thế nhưng, ông chồng, lại vẫn tiếp tục yêu chiều vợ: “Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà”. Anh chồng dường như coi tiếng ngáy o o của vợ mình như tiếng đàn, tiếng sáo, nghe rất hay, rất vui tai, khiến cho căn nhà không bị tĩnh lặng. Thật là một người chồng bao dung! Anh không những không thấy khó chịu, mà còn cho qua, bao biện cho vợ.

Không chỉ luộm thuộm ở vẻ bề ngoài, không chỉ vô ý về cách thức ăn ở, người vợ còn vô duyên cả ở ngoài xã hội:

Xem thêm:  Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du

“Ra chợ thì hay ăn quà

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm”

Thời xưa, người phụ nữ phải tuân theo tam tòng tứ đức, phải chăm lo cho gia đình, chồng con. Nếu đi ra chợ, chỉ là ra chợ để bán hàng ,hoặc để mua những thứ cần thiết cho gia đình mà thôi. Vậy mà cô vợ ra chợ thì chỉ chú ý đến việc ăn quà. Trong xã hội phong kiến, việc ăn quà là một việc rất đáng lên án của người phụ nữ. Bởi đó là một việc làm chỉ biết chăm lo, thỏa mãn cho bản thân, chỉ biết một mình mình hưởng thụ mà không biết nghĩ đến chồng con ở nhà. Cô vợ này lại còn “hay ăn quà”, nghĩa là việc ăn quà diễn ra thường xuyên, liên tục. Chỉ bằng một hành động, nhưng tác giả dân gian đã vẽ nên một loạt những tính cách xấu của người phụ nữ này. Vậy mà, anh chồng vẫn không tức giận, mà chỉ cho rằng, “về nhà đỡ cơm”. Một lí do thật chính đáng làm sao! Ăn ở đâu cũng là ăn, ăn ở chợ thì về nhà khỏi phải ăn nữa, cũng tốt chứ có sao đâu.

Ở hai câu cuối, lại là hai câu nói về ngoại hình của cô vợ:

“Trên đầu những rác cùng rơm

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu”

Nếu như ở câu đầu, chúng ta có thể châm chước cho người phụ nữ này, bởi nhiều khi, ngoại hình là thứ mà chúng ta không được quyền lựa chọn. Thế nhưng, đến câu này, thì người phụ nữ này hiện lên rõ ràng với hình ảnh một người vợ thật là vụng về, không biết chăm lo cho người khác, cũng không biết chăm lo cho chính mình. Nếu như chỉ đọc câu này, người đọc có thể thông cảm, vì nhỡ đâu là do cô ấy chăm chút cho chồng, cho con quá mà quên mất bản thân mình. Nhưng đã biết ở trên, nên đến đây, chúng ta chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Vậy mà ông chồng, vẫn một mực bao che cho vợ của mình, coi rơm rạ mà cô vợ không biết bỏ ra như “hoa thơm rắc đầu”, coi như là một món đồ trang điểm chứ không coi đó là rác, là những thứ bẩn thỉu. Không chỉ lắc đầu với cô vợ, người đọc đang rơi vào tâm trạng không thể hiểu nổi, tại sao sức chịu đựng của người chồng lại tốt đến vậy. Vẫn biết, “yêu nhau củ ấu cũng tròn”, thế nhưng, đó không phải là bao che, ngụy biện, biết sai mà không chịu góp ý để vợ sửa thì thật là không tốt.

Bài ca dao là tiếng cười vui vẻ, sảng khoái của ông cha ta sau những giờ làm việc vất vả, là tiếng cười phê phán, nhưng không hề có ác ý, hay ghét bỏ. Qua đó, ông cha ta cũng muốn khuyên răn con cháu rằng, hãy biết nhận thức cái đúng, cái sai, cái đẹp, cái xấu, cái tốt và cái không tốt, đừng để tình yêu làm cho mù quáng như anh chồng trong bài ca dao, cũng đừng vụng về như cô vợ để khiến người xung quanh chê cười.

Phân tích bài ca dao “ Lỗ mũi mười tám gánh lông …” – Bài làm 2

Từ xưa, nhân dân ta,đã lấy ca dao – dân ca làm vũ khí sắc bén đấu tranh với giai cấp thống trị áp bức bóc lột và phê phán các thói hư tật xấu trong nội bộ của mình. Tiếng cười vang lên mọi nơi, mọi  lúc, hấp dẫn già trẻ, gái trai, tạo nên một không khí vui vẻ làm vơi đi bớt nỗi mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả. Trong ca dao, người phụ nữ vốn là đối tượng luôn được ưu ái nhưng trường hợp đặc biệt sau đây thì lại là đề tài đàm tiếu của công chúng:

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về Giờ trái đất

Lỗ mũi mười tám gánh lông,

Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o,

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đâu những rạ cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Mục đích của bài ca dao hài hước này trước hết là để giải trí, nhưng đằng sau tiếng cười sảng khoái vẫn ngầm chứa một ý nghĩa châm biếm, chế giễu loại phụ nữ xấu người, xấu nết, rất khó được người lao động ở nông thôn chấp nhận.

Bài ca dao phác thảo chân dung của hai nhân vật: cô vợ và anh chồng, mỗi người một vẻ, vừa trái ngược lại vừa đồng điệu. Cặp vợ chồng kì lạ này sẽ dẫn dắt mọi người đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Theo quan niệm dân gian thì người phụ nữ phải đẹp về hình dáng, làn da, gương mặt và đẹp cả về nết ăn nết ở. Người cọn gái phải biết chăm lo cho chồng con, gia đình và biết tự chăm sóc cho bàn thân mình. Nhưng ở bài ca dao này thì cô gái không được một nét nào. Trước hết, tác giả dân gian đặc tả cái lỗ mũi có một không hai của cô ta: Lỗ mũi mười tám gánh lông

Tiếng cười vang lên khi hình ảnh phóng đại bất ngờ xuất hiện ở câu ca dao đầu, bởi vì trên đời này không thể có người phụ nữ nào như vậy. Người ta thường nói gánh cỏ, gánh rơm, gánh thóc,  gánh lúa; còn ở đây, tác giả dí dỏm chơi chữ, dùng tử gánh lông kết hợp với số từ cường điệu mười tám để nhấn mạnh cái lỗ mũi kì dị của cô gái này. Quả là cô vợ có một cái mũi lạ lùng ngoài trí tưởng tượng. Ấy vậy mà có một người đàn ông hết lòng bênh vực cô ta, khẳng định đó là cái mũi quý giá, hiếm có trên đời: Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.

Chồng yêu thương, nâng đỡ, che chở cho vợ mình là lẽ đương nhiên ở đời, nhưng trong câu ca dao này, có phải do anh chồng quá yêu vợ hoặc sợ vợ đến mức mù quáng, mất hết tinh táo nên mới tâng bốc vợ mình một cách phi lí và quá đáng chăng ? Bởi vì râu rồng là một hình ảnh trang trọng, đẹp đẽ, không thể đem so sánh với  những thứ tầm thường như… lông mũi được.

Cô vợ đã xấu xí về hình thức lại không nết na trong hành vi, nếp sống. Hai câu ca dao tiếp theo giễu cợt sự vô ý vô tứ của cô ta trong giấc ngủ và thái độ bênh vực đến mức buồn cười của anh chồng:

Đêm nằm thì ngáy o o,

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Chúng ta thử tưởng tượng: giữa đêm khuya thanh vắng, cả gia đình nhà chồng đang chìm trong giấc ngủ, bỗng rộ lên những tiếng ngáy o o của cô vợ làm cho mọi người tỉnh dậy. Chắc chắn là ai cũng sẽ thấy khó chịu và anh chồng tất nhiên là xấu hổ. Nếu chỉ có hai vợ chồng, thì anh chồng cũng phải bực mình hoặc cười ra nước mắt. Thực tế cho thấy nhiều cặp vợ chồng chia tay nhau chi vì lý do vô ý của vợ hoặc chồng. Thế nhưng với anh chồng yêu vợ quá đỗi này thì chuyện đó không đáng kể. Tiếng ngáy ầm ĩ, vô tư của cô vợ đã được anh ta giải thích một cách xuê xoa và tếu táo là ngáy cho vui nhà. Anh chồng không góp ý, khuyên  nhủ để vợ mình thay đổi tật xấu mà còn cố tình bao biện, khỏa lấp.

Cô vợ không chi bộc lộ tật xấu ở nhà mà còn có thói quen xấu khi ra ngoài xã hội:

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Xưa nay, đi chợ ăn quà bị coi là một thói xấu đáng chê trách. Bởi vì nó xa lạ với phẩm chất chịu thương chịu khó, nhường nhịn miếng ngon miếng lành cho chồng cho con của người phụ nữ. Cô vợ trong bài ca dao này chỉ biết hưởng thụ, thỏa mãn ham muốn vật chất riêng của mình. Hay ăn quà nghĩa là cô ta ăn một cách thường xuyên, đi chợ lần nào cũng ăn. Các tác giả dân gian chi cần điểm một thói quen  Đi chợ thì hay ăn quà là đã khắc sâu được hình ảnh xấu của cô ta. Tuy thế, cô ta vẫn được chồng che chở, bênh vực bằng lí lẽ ngụy biện là về nhà đỡ cơm. “Nhất vợ nhì trời”, nhưng bênh vợ chằm chặp như anh chồng trong bài ca dao này thì đúng là có một không hai.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về văn hóa cảm ơn

Cô vợ đoảng đến mức không chăm lo cho gia đình mà cũng không biết cách tự chăm sóc bản thân:

Trên đầu những rạ cùng rơm,

Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Cô ta không hiểu rằng muốn giữ được hạnh phúc gia đình thì trước hết phải giữ gìn vẻ đẹp của mình, không nên sống buông thả, lôi thôi luộm thuộm, tự làm xấu đi hình ảnh bản thân và tỏ ra coi thường những người xung quanh. Cái răng, cái tóc là góc con người, thế mà cô ta để Trên đầu những rạ cùng rơm. Vì thế, cô ta trở thành lập dị. Duy chỉ có anh chồng mụ mị như bị ma ám, như bị bỏ bùa thì vẫn nắc nỏm khen lấy khen để là hoa thơm, rắc đầu.

Có thể là ông trời đã ban phát cho cặp vợ chồng kì lạ này một điểu gì đó khác thường khiến họ hòa hợp với nhau đến thế. Điệp ngữ Chồng yêu chồng bảo… lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài ca dao đã giải thích điểu mà dân gian thường hay nói tới là: Yêu nhau trăm sự chẳng nề, Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng…Hoặc: Yêu nhau củ ấu cũng tròn, Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông…

Chỉ có tám câu ca dao với thủ pháp trào lộng thông minh, dí dỏm, với những chi tiết hí họa đặc sắc kết hợp khéo léo với nghệ thuật cường điệu, ngoa dụ, tăng tiến, trùng điệp,… bài ca dao đã tạo ra tiếng cười vui tươi, sảng khoái. Thái độ của mọi người đối với cô vợ là thái độ châm biếm, phê phán nhưng không ghét bỏ.Còn đối với anh chồng “ lạ đời” kia thì chỉ cảnh tỉnh bằng nụ cười chân thành, độ lượng. Bài ca dao thể hiện tâm hồn lạc quan yêu đời và triết lí nhân sinh lành mạnh của người bình dân, cho dù cuộc sống của họ còn nhiều lo toan, vất vả. Ông cha ta có câu: Thương cho roi cho vọt, Ghét cho ngọt cho bùi. Dù sao thì bài ca dao trên cũng là lời nhắc nhở chúng ta hãy nhận thức rõ ràng về cái xấu, cái tốt để vươn tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ trong cuộc sống.

Bài liên quan

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè”

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè”

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè” – Bài làm 1 Nguyễn…
Triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn”

Triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn”

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động…
Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám

Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám

Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám – Bài làm 1 Đã là người Việt Nam,…
Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi – Bài…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *