Suy nghĩ về câu nói Việc học như trồng cây

Suy nghĩ về câu nói Việc học như trồng cây – Bài làm 1

Trước đây, tôi đã từng rất mải chơi, chỉ học những môn mình thích hoặc lúc nào thấy thích thì học. Mặc dù vậy, năm nào tôi cũng tổng kết được học sinh khá. Nhưng đến kỳ 1 lớp 10, điểm tổng kết của tôi chỉ dừng lại ở 6.7, xếp loại trung bình khá. Bố mẹ đã rất thất vọng và đã phàn nàn về tôi rất nhiều. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ lại.

van mau suy nghi cua em ve cau noi viec hoc nhu trong cay Suy nghĩ về câu nói Việc học như trồng cây

Trước đây khi học cấp 2, lượng kiến thức chưa nhiều nên lúc nào gần thi tôi mới học. Tôi vốn là đứa học nhanh nên khi thi điểm tôi cũng thường trên 7, tôi không mấy lo lắng về việc này. Nhưng khi vào cấp 3, lượng kiến thức nhiều hơn, những kiến thức cấp 2 giờ tôi cũng không còn nhớ nhiều nữa đặc biệt là các môn tự nhiên. Tôi nghĩ là do tôi chỉ học để thi, học để chống đối nên kiến thức chỉ nhớ lúc đấy, còn lâu không dùng đến là quên ngay.

“Việc học cũng như trồng cây”. Khi cây con được trồng xuống đất, chúng ta phải chăm sóc rất cẩn thận, bởi lúc này cây cần thời gian để thích nghi với đất. Hàng ngày, cây phải được tưới nước, và không được trồng ở chỗ có ánh nắng to, cây sẽ nhanh bị héo và chết. Cũng giống như chúng ta khi vào lớp 1, thầy cô chỉ dạy chúng ta những bài học đơn giản thông qua những câu chuyện, những bài hát để ta dần dần làm quen với việc phải đi học. Khi chúng ta học các lớp cao hơn, lượng kiến thức sẽ tăng dần lên, các thầy cô sẽ không kể cho chúng ta nghe những câu chuyện cổ tích nữa, mà thay vào đó là những câu chuyện thực tế để ta hiểu được ứng dụng của những bài học như thế nào. Cây cũng vậy, khi cây đã quen với môi trường đất, chúng ta cũng không cần ngày nào cũng phải tưới nước mà 2,3 ngày ta mới tưới một lần. Lớn lên, cây quen dần với ánh nắng mặt trời, những ánh nắng gay gắt cũng không làm cây thấy sợ hãi. Môi trường và con người sẽ làm cây trưởng thành hơn. Tuy nhiên, nếu ta quên 1 tháng mới tưới nước cho cây thì cây sẽ bị héo, và lâu hơn thì cây sẽ chết ngay. Việc tưới nước cho cây cũng như việc học. Nếu chúng ta không chịu khó học trong một thời gian dài thì sẽ bị lãng quên kiến thức. Và dần dần không hiểu gì về kiến thức đó nữa. Sau này học lại sẽ rất khó khăn. Tốt nhất là học đến đâu, thực hành đến đó tránh việc rỗng kiến thức lâu sẽ không thể bù đắp. Nếu chúng ta chăm sóc cây chu đáo thì cây sẽ tốt tươi, ra hoa, kết trái cũng giống như việc chúng ta học tập chăm chỉ thì chúng ta sẽ đạt được những thành tích cao trong học tập, sẽ thành công và khẳng định được mình trước cuộc sống.

Nếu chịu khó để ý chúng ta sẽ thấy càng lớn lên, cây sẽ bị sâu bọ làm hại. Những loài sâu bọ sẽ đục thân cây hoặc ăn lá cây làm cho cây mất dần chất dinh dưỡng và chết dần đi. Những con sâu đó cũng giống như những cám dỗ ngoài cuộc sống khiến chúng ta lơ là học tập. Chúng ta chỉ cần mải mê chạy theo trò chơi điện tử, cờ bạc, rượu chè,…dần dần chúng ta sẽ bị những thứ đó hủy hoại, ta sẽ không còn là ta nữa. Chểnh mảng học tập để chạy theo những thú vui sẽ làm chúng ta bị rỗng kiến thức và rồi ta sẽ thất bại từng ngày.

Cũng có những loài cây dễ sống, chỉ cần trồng xuống đất không cần tưới nước, chăm sóc mà vẫn tự lớn lên khỏe mạnh đó là những cây dễ thích nghi như các loài thủy sinh. Những cây đó giống như những người thông minh bẩm sinh, sinh ra đã có trí tuệ hơn người, họ không cần học nhiều và vẫn giỏi, vẫn thành công. Nhưng thực tế thì số lượng đó không nhiều, và bạn cũng không phải nằm trong số những người đấy thì bạn nên chọn cho mình cách học tập chăm chỉ, kiến thức phải được bạn bồi đắp dần dần qua từng ngày, từng tháng. Có như vậy, bạn mới là người thành công!

Suy nghĩ về câu nói Việc học như trồng cây – Bài làm 2

Trong thời kì xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay, con người muốn có một chỗ đứng, một vị thế trong xã hội thì phải xây dựng được cho mình một nền tảng kiến thức kiên cố. Mà con đường chủ yếu để đi tới kho tàng kiến thức chỉ có thể là học tập. Nhung con đường ấy không rải đầy hoa hồng mà vô vàn sỏi đá, đòi hỏi con người phải trải qua một quá trình rèn luyện vất vả mới có thể gặt hái được thành công. Như có câu nói cho rằng: “Việc học cũng như trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

“Việc học” là sự tìm hiểu, ghi nhớ tạo nên vốn kiến thức, hiểu biết của mỗi chúng ta. Nhờ có việc học, chúng ta mới trở thành người biết suy nghĩ, có nhận thức và hiểu biết; mới có thể thành công, trở thành người có ích.

Quá trình học ấy cũng như việc trồng cây vậy. Chúng ta trồng cây, chăm sóc cây để thu được hoa thơm, quả ngọt. Quá trình trồng cây hay việc học đều cần nhiều thời gian và công sức. Đổi với trồng cây, thời gian và công sức ấy là để chăm bẵm cây: tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, bón phân… Còn đối với việc học, chúng ta phải dành thời gian và công sức để học tập, nghiên cứu, học hỏi… Nếu chúng ta không chăm sóc cây chu đáo cũng như không chăm lo việc học, thì cuối cùng thành quả mà chúng ta thu được là con số không. Bởi thành quả của chúng ta sau quá trình học giống như thứ quả kết ra từ cây chúng ta trồng vậy. Trái quả đó có tốt, có chất lượng là phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta.

Loài cây đơm ra những trái quả thành công là cây tri thức. Kiến thức cơ bản, ban đầu của chúng ta được coi là cái “gốc”. Mỗi loại cây và kiến thức hiểu biết đều bắt nguồn từ cái “gốc” của nó, và để kết quả chúng ta nhận được như mong muốn thì trước hết chúng ta phải xác định mục đích, động cơ học tập một cách đúng đắn với thái độ nghiêm túc và phương pháp học tập khoa học, phù hợp. Không chỉ vậy, chúng ta cần phải cần cù, chịu khó vượt mọi khó khăn, không lùi bước trước những trở ngại, kiên trì, chủ động vươn lên nắm bắt lấy tri thức như cây vươn lên đón lấy ánh sáng mặt trời. Đã có biết bao những tấm gương tự học, tự rèn luyện vượt lên thử thách để có thành công. Trước hết phải kể đến tấm gương học tập của Bác Hồ. Bác đã phải vượt qua bao nhiêu gian nan trên con đirờng giải phóng dân tộc. Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, tìm nước phát triển: Anh, Pháp, Mĩ… Người đã làm biét bao nhiêu việc: phụ bếp, viết báo… để kiếm tiền mua sách vở, tự học. Ngày ngày Bác đều phải dậy sớm để làm việc, đêm đến lại phải tự học, gian khổ vất vả vô cùng. Nhưng thành công luôn chào đón những người cố gắng, Người đã tìm ra con đường đưa đất nước ta thoát khỏi vòng kìm kẹp, đô hộ của bọn thực dân và đế quốc. Nhà khoa học Michael Faraday (1791 – 1867) sinh ra trong một gia đình thường dân, với nghị lực sẵn có, M.Faraday được cha dẫn đến nhà người quen làm nghề đóng sách. Ông xin ông chủ của mình cho đọc sách mỗi buổi tối để tự tìm tòi, khám phá các kiến thức khoa học. Vì cha ông đột ngột qua đời, M.Faraday đã phải vất vả hơn để lao động nuôi sống gia đình. Nhưng thành công đã đến khi ông chế tạo ra chiếc máy phát điện đầu tiên, là cơ sở để tạo ra động cơ điện được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. M.Faraday đã nhanh chóng trở thành một viện sĩ có uy tín nhất trong hội khoa học Hoàng gia Anh. Điều đó cho thấy, không phải tất cả những người tài giỏi, nổi tiếng và thành công đều nhờ vào những kiến thức được học ở trường, lớp. Mà họ thành công còn nhờ vào sự chủ động vươn lên, từ chính những trải nghiệm cuộc sống.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”

Việc học không thể bị dừng lại, bó hẹp trong bất cứ thời gian, không gian nào. Chúng ta phải học chọn những điều hay, điều tốt, loại bỏ những gì không đáng học. Những điều không hay cũng như những con sâu bọ, côn trùng gây hại hay cỏ dại làm hại đến cây. Vì vậy, ta phải loại trừ để chúng không làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây hay chính việc học của chúng ta vậy.

Câu nói “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin và câu nói “Là bác học không có nghĩa là ngừng học” của Đác-uyn, cũng là những quan điểm tích cực vô cùng quý giá về việc học tập. Thứ quả mà chính những con người vĩ đại ấy tạo nên thật đáng để chúng ta khâm phục và noi theo.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng chỉ cần trồng cây xuống đất rồi cây lớn lên tự nhiên, không cần sự chăm bẵm. Nhưng trong thực tế, dù đó là loài cây dễ thích nghi, có sức sống mãnh liệt thì muốn có những trái quả tốt vẫn cần có công sức chăm sóc của con người. Việc học cũng vậy, dù là người thông minh, thiên bấm thì cũng cần đến sự chăm chỉ. cần mẫn. Nếu đã có sự thông minh, chúng ta càng không nên chủ quan mà lười nhác. Vì “Số người cao quý nhờ học vấn nhiều hơn số người cao quý nhờ thiên bẩm” – Ciceron đã nói “Học tập cũng như trồng cây đều phải bỏ ra nhiều công sức và trải qua sự vất vả, khó khăn… Vậy nên, mỗi chúng ta hãy trang bị cho mình ý thức rèn luyện, chấp nhận khó khăn, gian khổ để tri thức trở nên vững vàng và trơ thành hành trang vững chắc cho tương lai sau này.

Suy nghĩ về câu nói Việc học như trồng cây – Bài làm 3

Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa UNESCO từng đề xướng mục đích của việc học: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình. Trong thời đại xã hội phát triển, việc học là một điều vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người ngày nay, đặc biết là với học sinh, sinh viên – chủ nhân tương lai của đất nước. Muốn đi được trên con đường thành công trong cuộc sống , mỗi người chúng ta cần phải có một nền tảng kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, điều đó là không hề dễ dàng chút nào, nó đòi hỏi con người phải trả qua một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ. Như có câu nói cho rằng: “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

Chúng ta đều biết rằng, “học” là quá trình tiếp thu những cái mới, bổ sung, trau dồi các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm. Nhờ vào việc học, chúng ta có thêm nhiều kiến thức về thế giới bên ngoài, làm những việc đóng góp ích lợi cho xã hội và hơn hết học là để tự khẳng định chính bản thân mình. Nói việc học như việc trồng cây nghĩa rằng quá trình học tập cũng như quá trình phát triển của một cái cây, phải trải qua nhiều khó khăn, cay đắng nhưng chỉ cần chúng ta kiên trì, bền bỉ chúng ta sẽ thu được hoa thơm, quả ngọt. Bằng cách nói ngắn gọn và khúc triết, câu nói “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”đã giúp chúng ta nhận thức rõ được rằng quá trình học tập vô cùng gian lao, vất vả và chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ, cần cù, miệt mài, sáng tạo thì mới có thể gặp hái được hoa thơm, quả ngọt.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc trau dồi và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sống là điều không thể thiếu. Cũng giống như việc trồng cây, việc học cần có cái “gốc”, “rễ” của nó. Mọi loại cây đều bắt nguồn từ rễ và mọi loại kiến thức cũng đề bắt nguồn từ cái gốc của nó. “Gốc”, “rễ” đó là nền tảng để cho cây phát triển khỏe mạnh. Quá trình trồng cây cũng như việc học đều tốn khá nhiều thời gian. Không chỉ tốn nhiều thời gian mà nó còn đòi hỏi cả sự nỗ lực, kiên trì, không chịu khuất phục. Cũng giống như loài cây phải chịu nhiều phong ba, bão táp của thiên nhiên thì việc học chúng ta phải chịu nhiều cay đắng. Không ít lần, chúng ta đã bị vấp ngã, thất bại. Vấp ngã, thất bại trong cuộc sống cũng như việc cái cây bị gãy, đổ do giông tố của thiên nhiên là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta biết đứng dậy, ươm mầm lại cho cái cây của mình. Nếu chúng ta chịu kiên trì, cố gắng, quyết tâm bền bỉ, có ý chí kiên cường, niềm tin son sắt thì chắc chắn, khi mùa xuân tới sẽ mang theo bao hoa thơm, mùa thu đến sẽ đem theo bao quả ngọt. Đó chính là những thành quả mà chúng đạt được. Như nhành cây vươn lên đón tia nắng mặt trời, chúng cần ta cần cố gắng, chủ động trau dồi và tích lũy kiến thức. Trong cuộc sống, đã có biết bao nhiêu những tấm gương cần cù, vượt khó vướn tới thành công. Điển hình là anh Adam Khoo – một con người đã từ “đần độn”trở thành “thiên tài”, tác giả của cuốn sách bán chạy Tôi tài giỏi, bạn cũng thế. Ban đầy, Adam Khoo là một cậu bé tầm thường, ngỗ nghịch, thậm chỉ bị coi là “đần độn”. Nhưng nhờ vào việc thay đổi nhận thức, cố gắng không ngừng trong học tập, cậu đã trở thành “thiên tài”. Tự mình vươn lên thành triệu phú, Adam sở hữu và quản lí bốn ngành kinh doanh với tổng thu nhập 20 triệu đôla. Trong vòng hơn 5 năm qua, anh đã động viên, thúc đẩy, đào tạo hơn 20.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, quản lí cách thức học tập và kĩ năng thay đổi hành động.

Xem thêm:  Phân tích vẻ đẹp trữ tình của nhân vật trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình”

Câu nói “Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”  đã bao hàm chân lí, quan niệm sâu sắc: quá trình học tập thì vô cùng khó khăn vất vả nhưng thành quả của nó lại vô cùng ngọt ngào. Nhưng đáng tiếc thay, hiệện nay, không phải ai trong đời sống cũng ý thức được điều này, đặc biệt là đối với giới trẻ. Có nhiều người chỉ biết ăn chơi, hương thụ mà không chăm lo học tập, trau dồi kiến thức. Đó là một hiện tượng đáng phê phán và chê trách.

Để có thể được những hoa thơm quả ngọt kia, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, chăm chỉ học tập, sáng tạo không ngừng nghỉ, chúng ta cũng cần phải hoàn thiện bản thân, xây dựng nhân cách, thái độ sống lí tưởng, hợp lí. Vậy làm thế nào chúng ta có thể học tập một cách hiệu quả. Có thể thấy, đối với việc trồng một cái cây, chúng ta cần bón phân, chăm sóc, tưới nước,… Đối với việc học cũng vậy, chúng ta cần thời gian chăm sóc cho cái cây kiến thức của mình. Nếu ta không thường xuyên chăm sóc cái cây chu đáo cũng như không chăm lo cho việc học hành, thì cuối cùng, dù mùa xuân, mùa thu có đến cũng chẩng có hoa thơm, quả ngọt nào cả. Không những vậy, trong quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức, chúng ta chỉ nên tiếp thu điều tối và loại bỏ những điều xấu. Những điều xấu xa cũng giống như những con sâu, con bọ sẽ làm hỏng cây của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta cần phải diệt trừ, loại bỏ nó để tránh hưởng tác động tiêu cực đến cây của chúng ta.  Thêm vào đó, để có những hoa thơm, trái ngọt của riêng mình và không giống ai, chúng ta cần phải sáng tạo không ngừng nghỉ và sáng tạo một cách có trách nhiệm. Thành quả mà chúng ta đạt được phụ thuộc vào chính bàn tay mà ta chăm sóc nên.

Như vật, có thể khẳng định Việc học như việc trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả là một ý kiến vô cùng xác đáng. Cũng như có ý kiến cho rằng: Cáirễ của học hành thì đắng cay nhưng quả của nó thì ngọt ngào. Cho dù ởở bất kì thời đại nào, việc học đều cần thiết với tất cả mọi người. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy thay đổi nhận thức rõ răng, xác định mục tiêu học tập và làm việc, kiên trì theo đuổi, không ngừng học hỏi tích lũy kiến thức, hoàn thiện nhân cách. Chúng ta đề thểu gặt hát được hoa thơm quả ngọt dù sớm hay muộn bởi con đường đến thành công đều có hướng đi của riêng mỗi người.

Suy nghĩ về câu nói Việc học như trồng cây – Bài làm 4

Xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi trình độ của con người ngày càng cao, kiến thức phải sâu rộng mới đáp ứng được xu thế của thời đại. Con người muốn có một chỗ đứng, một vị thế trong xã hội thì phải xây dựng được cho mình một nền tảng kiến thức kiên cố.

Mà con đường chủ yếu để đi tới kho tàng kiến thức chỉ có thể là học tập. Con đường ấy không rải thảm đầy hoa hồng mà vô vàn sỏi đá, đòi hỏi con người phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài mới có được. Có câu nói cho rằng: “Việc học cũng như trồng cây, mùa xuân cho hoa, mùa thu được quả”.

Như chúng ta đã biết quá trình trồng cây, bắt đầu từ những hạt mầm bé tí người ta gieo xuống đất, qua bao năm tháng, qua sự siêng năng chăm sóc của người trồng đã trở nên xanh tươi và phát triển mạnh mẽ, vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Mùa xuân đến, chúng cho ta những bông hoa rực rỡ, thơm mát điểm tô cho sức sống và vẻ đẹp của mùa xuân ấm áp. Từ những bông hoa đó, chúng kết trái, đậu quả và cho ta những quả ngon, quả ngọt vào mùa thu. Đó là thành quả mà bao người trồng cây đều mong muốn có được.

Quá trình học tập của con người cũng giống như việc trồng cây vậy. Bắt đầu từ những hạt mầm đầu tiên chính là môi trường từ gia đình và mầm non. Vậy “Việc học” là sự tìm hiểu, ghi nhớ tạo nên vốn kiến thức, hiểu biết của mỗi chúng ta. Nhờ có việc học, chúng ta mới trở thành người biết suy nghĩ, có nhận thức và hiểu biết; mới có thể thành công, trở thành người có ích. Chúng ta đi tìm hiễu rõ hơn tại sao việc trồng cây và việc học gắn liền với nhau, hai vấn đề này có mối quan hệ như thế nào?

Xem thêm:  Bình giảng bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính

Đối với trồng cây, thời gian và công sức dành để chăm cây như: tưới nước, nhổ cỏ, bắt sâu, bón phân… Còn đối với việc học, chúng ta phải dành thời gian và công sức để học tập, nghiên cứu, tìm tòi học hỏi… Nếu chúng ta không chăm sóc cây chu đáo cũng như không chăm lo việc học, thì cuối cùng thành quả mà chúng ta thu được là con số không. Bởi thành quả của chúng ta sau quá trình học giống như thứ quả kết ra từ cây chúng ta trồng vậy. Quả đó có tốt, có chất lượng là phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta. 

Nhưng nếu trong giai đoạn đầu, khi mầm vẫn còn non và yếu, người trồng không chăm chút thì chắc chán cây không thể lớn, không thể cho ta hoa đẹp,quả ngon. Việc học của chúng ta cũng vậy. Ta không thể biết hết mọi điều chỉ trong một sớm, một chiều, mà đó là cả một thời gian dài miệt mài học tập. Nếu chúng ta siệng năng, chăm chỉ tiếp thu kiến thức hằng ngày thì lợi ích đầu tiên mà chúng ta nhận được là kết quả học tập và kiến thức, những hiểu biết chúng ta có được. Và khi kho tàng kiến thức mà chúng ta tích luỹ được ngày càng nhiều thì bằng cách áp dụng những kiến thức ấy vào đời sống, vào công việc, chúng ta sẽ có những thành quả, thành công hơn trong cuộc sống.

Thế nhưng kiến thức cơ bản, ban đầu của chúng ta được coi là cái “gốc”. Mỗi loại cây và kiến thức hiểu biết đều bắt nguồn từ cái “gốc” của nó, và để kết quả chúng ta nhận được như mong muốn thì trước hết chúng ta phải xác định mục đích, động cơ học tập một cách đúng đắn với thái độ nghiêm túc và phương pháp học tập khoa học, phù hợp. Như vậy thôi cũng vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải cần cù, chịu khó vượt mọi khó khăn, không lùi bước trước những trở ngại, kiên trì, chủ động vươn lên nắm bắt lấy tri thức như cây vươn lên đón lấy ánh sáng mặt trời. Đã có biết bao những tấm gương tự học, tự rèn luyện vượt lên thử thách để có được thành công.

Ngoài ra việc học không thể bị dừng lại, bó hẹp trong bất cứ thời gian, không gian nào. Cũng giống như chăm sóc cây vậy, ta cũng phải chăm bón thường xuyên không thể ngắt quãng, bỏ bê khâu chăm sóc. Nếu chịu khó để ý chúng ta sẽ thấy càng lớn lên, cây sẽ bị sâu bọ làm hại. Những loài sâu bọ sẽ đục thân cây hoặc ăn lá cây làm cho cây mất dần chất dinh dưỡng và chết dần đi. Những con sâu đó cũng giống như những cám dỗ ngoài cuộc sống khiến chúng ta lơ là học tập. Chúng ta chỉ cần mải mê chạy theo trò chơi điện tử, cờ bạc, rượu chè,…dần dần chúng ta sẽ bị những thứ đó hủy hoại, ta sẽ không còn là ta nữa. Chểnh mảng học tập để chạy theo những thú vui sẽ làm chúng ta bị rỗng kiến thức và rồi sẽ thất bại từng ngày.Trong quá trình học phải học cách chọn những điều hay, điều tốt, loại bỏ những gì không đáng học. Vì vậy, ta phải loại trừ để chúng không làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây hay chính việc học của chúng ta. 

Tốt nhất là học đến đâu, thực hành đến đó tránh rỗng kiến thức lâu sẽ không thể bù đắp. Nếu chúng ta chăm sóc cây chu đáo thì cây sẽ tốt tươi, ra hoa, kết trái cũng giống như việc chúng ta học tập chăm chỉ thì chúng ta sẽ đạt được những thành tích cao trong học tập, sẽ thành công và khẳng định được mình trước cuộc sống.
Cũng có những loài cây dễ sống, chỉ cần trồng xuống đất không cần tưới nước, chăm sóc mà vẫn tự lớn lên khỏe mạnh đó là những cây dễ thích nghi như các loài thủy sinh. Những cây đó giống như những người thông minh bẩm sinh, sinh ra đã có trí tuệ hơn người, họ không cần học nhiều và vẫn giỏi, vẫn thành công. Nhưng thực tế thì số lượng đó không nhiều, và bạn cũng không phải nằm trong số những người đấy thì bạn nên chọn cho mình cách học tập chăm chỉ, kiến thức phải được bạn bồi đắp dần dần qua từng ngày, từng tháng.

Có hai nói nổi tiếng của cả nhân loại “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin và câu nói “Là bác học không có nghĩa là ngừng học” của Đác-uyn, cũng là những quan điểm tích cực vô cùng quý giá về việc học tập. Thứ quả mà chính những con người vĩ đại ấy tạo nên thật đáng khâm phục, ngưỡng mộ và là những tấm gương để chúng ta học tập noi theo.

Mỗi chúng ta hãy trang bị cho mình ý thức rèn luyện, chấp nhận khó khăn, gian khổ để có một nền tảng tri thức vững vàng và trở thành hành trang vững chắc cho tương lai sau này. Hạnh phúc và thành công chỉ đến khi con người biết cách tạo nên và nắm bắt nó.

Bài liên quan

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè”

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè”

Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài “Cảnh ngày hè” – Bài làm 1 Nguyễn…
Triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn”

Triết lý nhân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ “Nhàn”

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sống gần trọn một thế kỉ đầy biến động…
Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám

Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám

Tìm hiểu truyện cổ tích Tấm Cám – Bài làm 1 Đã là người Việt Nam,…
Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi – Bài…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *