Phân tích khổ 5 bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên
Hướng dẫn
Phân tích khổ 5 bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên
BÀI LÀM
Còn gì sung sướng hơn khi đứa con sau bao ngày xa cách được trở về trong lòng mẹ yêu thương. Với Chế Lan Viên, người mẹ ấy dù không phải “hòn máu cắt” nhưng tình nghĩa vẫn luôn đong đầy, sâu nặng. Và người mẹ ấy cũng không phải chỉ có một người, mà là toàn bộ nhân dân miền Tây Bắc – những con người cùng bào sinh ra tử, cùng dìu nhau qua ngưỡng cửa tử thần trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Tình yêu và nỗi nhớ da diết đã được Chế Lan Viên gửi trọn trong những vần thơ mang tên “Tiếng hát con tàu”. Con tàu chở đi bao yêu thương và khát vọng của người chiến sĩ đến với Tây Bắc. Tuy xa rồi, nhưng lòng ông vẫn luôn hướng về nơi ấy. Cho đến ngày gặp lại, tình cảm càng thêm thắm thiết mặn nồng:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
Bốn câu thơ ngắn gọn tưởng chừng như nằm bất động trên trang giấy nhưng lại ẩn chứa cả một trái tim đang dạt dào cảm xúc. Niềm vui khôn xiết, lớn lao khi “con” được về gặp lại “Mẹ yêu thương”. Mẹ là nhân dân, là những con người đã chẳng tiếc thân mình cống hiến tất cả cho cách mạng. Họ nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội, tiếp sức cho các anh xông pha vào mặt trận. Như Tố Hữu cũng đã từng kể:
“Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”
(Việt Bắc – Tố Hữu)
Có chi đâu ngoài những món ăn dân giã trong ngày thiếu thốn. Nhưng càng thiếu thốn, nghĩa tình lại càng đong đầy, nặng sâu. Đến củ sắn lùi, hay bát cơm họ cũng nhường nhịn, san sẻ cho nhau. Không bạc tiền cao sang nhưng giàu tình cảm. Và chính những điều giản dị, thuần khiết ấy đã khiến cho Chế Lan Viên nhớ mãi không quên những con người chân chất của bản làng Tây Bắc. Được gặp lại mọi người, niềm vui khôn xiết không thể nào diễn tả được. Nhà thơ đã mượn những hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên quanh mình: nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa. Đây đều là những thứ vốn dĩ được sinh ra để gắn bó với nhau, làm điều kiện cho nhau phát triển và tồn tại. Nếu nai không có suối, nai khó mà sinh tồn được. Và nếu không có tiết trời ấm áp của tháng giêng, tháng hai, sẽ chẳng có những đám cỏ xanh mướt mơn mởn. Cũng như những cánh chim én kia, đâu phải mùa nào chúng cũng có thể bay lượn trên bầu trời xanh ngắt. Một loạt những hình ảnh so sánh được nhà thơ đưa ra một cách dồn dập, hối hả.
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Chưa dừng lại ở đó, những vần thơ tiếp tục làm lòng người rung động khi Chế Lan Viên nhắc đến hình ảnh “đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa”. Còn gì sung sướng hơn khi đang đói mà được thưởng thức bầu sữa mẹ ngon lành, dịu ngọt. Nếu thiếu sữa, hẳn là đứa bé sẽ tội nghiệp lắm. Thế nên khi được gặp mẹ, niềm vui sướng dâng trào biết bao nhiêu! Như “Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”. Điều duy nhất mà một đứa trẻ thơ luôn cần có đó chính là mẹ. Vì thế, khi lấy tình mẫu tử để nói lên tình cảm của mình, chứng tỏ tình cảm ấy rất thiêng liêng và lớn lao vô cùng. Tác giả luôn nâng, niu, trân trọng và gìn giữ tất cả những gì mà ông và nhân dân Tây Bắc đã cùng gắn bó, cùng trải qua.
Bốn câu thơ của Chế Lan Viên không những thể hiện những nghĩa tình đậm sâu của ông với nhân dân Tây Bắc mà còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo. Nếu như thế hệ cha anh đã vượt qua gian khó, đánh đuổi quân thù, thì thế hệ trẻ hôm nay càng phải nỗ lực cố gắng hết sức mình để dựng xây, phát triển đất nước ngày một tươi đẹp hơn. Trong gian khó, họ đã chẳng tiếc sức mình, luôn sẵn sàng hi sinh tất cả những gì mình có cho cách mạng, vì một lí tưởng chung là đất nước được hòa bình, nhân dân được sống vui vầy, ấm no hạnh phúc. Vậy giờ đây, điều mong ước ấy đã trở thành hiện thực. Trong những người đã từng gắn bó với Chế Lan Viên, nhiều người đã ra đi mãi mãi, có thể sử sách không ghi lại được tên tuổi từng người, nhưng bia đá còn đó, và những nghĩa tình của họ cũng vẫn còn khắc ghi mãi trong từng câu thơ, từng từ ngữ trên trang giấy của các nhà thơ, nhà văn.
Giản dị và chân thành, mộc mạc và chất phác, tình cảm của Chế Lan Viên dành cho nhân dân Tây Bắc cũng chính là tình cảm của những người con yêu nước khác dành cho đất nước này. Họ vẫn còn sống mãi trong trái tim của thế hệ sau, trường tồn cùng đất nước.