Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề thi số 3
Hướng dẫn
Tuyển chọn đề thi THPT Ngữ Văn (Đề 3)
A. ĐỀ THI
I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Cần lưu ý là dưới những danh từ truyền thống như chí, công danh, phận sự,… Nguyễn Công Trứ đã lồng vào đó những nội dung của ý thức cá nhân, ngược với thánh hiền. Khổng Tử nói: “Kẻ sĩ chí ở đạo, nếu xấu hổ về nỗi áo xấu cơm thô thì không thể cùng bàn bạc về đạo” (Lý nhân). Khổng Tử lại nói: “Người quân tử làm việc đời, không có gì là thích hay không thích, hợp với nghĩa thì làm” (Lý nhân). Nguyễn Công Trứ đề cao hai chữ “thích chí”, và chí của ông là chí được thi thố tài năng cá nhân, “Làm nên đấng anh hùng đấu đấy tỏ”, lấy việc nghèo khổ làm điều xấu xa, nhục nhã (Hàn nho phong vị phú). Khổng Tử đối lập quân tử và tiểu nhân ở chỗ người quân tử chỉ chăm lo đạo đức cao thượng còn tiểu nhân chỉ chăm lo ăn sung mặc sướng. Nguyễn Công Trứ coi trọng cả hai: “Thú vui thú ném ngang vành tráng sĩ”, “Càng tài tử càng nhiêu tình ái”,… Khổng Tử chủ trương sống khổ hạnh, xử thế nghiêm trang. Nguyễn Công Trứ xem đời là một cuộc chơi: “Đem ngàn vàng mua lấy tiếng cười – Phong lưu cho bõ kiếp người”. Có thể nói, dưới hình thức ngôn ngữ nhà nho, Nguyễn Công Trứ đã diễn đạt một ý thức cá nhân mới – thích chí, hành lạc.”
(Con người cá nhân trong văn học Việt Nam thế kỉ XIX – Trần Đình Sử)
Câu 1. Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngỏn ngữ nào? (0,5 điểm)
Câu 2. Xác định thao tác lập luận chủ yếu của đoạn trích trên. (0,75 điểm)
Câu 3. Anh/Chị hiểu thế nào về ý thức cá nhân thích chí, hành lạc của Nguyễn Công Trứ? (1 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (0,75 điểm)
II. LÀM VÀN (7 ĐIỂM)
Câu 1. (2 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề “công danh” trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2. (5 điểm) Cảm nhận về phong vị dân gian trong đoạn thơ sau:
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đẩu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
(Việt Bắc, Tố Hữu)
B. HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ khoa học
Câu 2. Thao tác lập luận chủ yếu: Thao tác so sánh
Câu 3. Ý thức cá nhân thích chí, hành lạc của Nguyễn Công Trứ rất độc đáo và gây được ấn tượng với hậu thế. Theo Nguyễn Công Trứ, thích chí, hành lạc trước hết phải có khát vọng lập công danh, khẳng định được vị trí của mình ở trong cõi đời. Thứ hai, đó là yêu cầu về sự cân bằng giữa đạo đức và việc tận hưởng cuộc sống. Quan niệm của Khổng Tử là quan niệm quá cứng nhắc, gò bó con người trong những khuôn khổ tù túng. Nguyễn Công Trứ đã hướng đến sự giải phóng cá nhân cả về phương diện đạo đức lẫn phương diện đời sống thường nhật. Đây là một quan niệm rất tiến bộ, mới mẻ, cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Câu 4. Thí sinh trả lời theo cảm nhận của bản thân, không cần theo một đáp án có sẵn nào. Chỉ cần thí sinh đưa ra được thông điệp, giải thích một cách hợp lí lí do chọn thông điệp đó thì có thể đạt điểm tuyệt đối.
II. LÀM VĂN
Câu 1. (2 điểm)
Yêu cầu về hình thức
– Viết đúng đoạn văn khoảng 200 từ.
– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…
Yêu cầu về nội dung
Đoạn văn cần làm rõ được các ý sau:
– Giải thích khái niệm công danh, khái quát quan niệm công danh trong xã hội cũ.
– Nêu quan niệm của giới trẻ về công danh hiện nay.
– Rút ra bài học hành động.
Đoạn văn mẫu
Công danh là địa vị xã hội và tiếng tăm, là lí tưởng sống của trang nam nhi thời phong kiến: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Hiện nay, một bộ phận lớn thanh niên vẫn giữ được khát vọng đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình với mong muốn xã hội tốt đẹp hơn. Họ có khả năng tự chủ về kinh tế, họ có lòng nhiệt thành để giúp đỡ những số phận bất hạnh,… Phần lớn các bạn trẻ ngày nay đặt mục tiêu là phải thật thành công trong cuộc sống, khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ thanh niên lại không suy nghĩ được như thế. Họ sống hờ hững với những gì diễn ra xung quanh, sống theo quan niệm: “Được đến đâu thì hay đến đó”, “Nước đến chân mới nhảy”, chỉ biết nghĩ cho riêng mình, không nỗ lực, không cố gắng. Từ việc hiểu về khái niệm công danh, thanh niên chúng ta cán phải biết và tạo cho mình một lý tựởng sống cao đẹp, vì mọi người, vì quê hương đất nước.
Câu 2. (5 điểm)
Yêu cầu về hình thức
– Viết đúng kết cấu bài văn ba phần.
– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt,…
Yêu cầu về nội dung
Bài cần đảm bảo các ý sau:
a) Mở bài
– Tố Hữu được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.
– Bài thơ Việt Bắc được viết vào tháng 10 năm 1954, thời điểm diễn ra cuộc chia tay giữa cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Tác phẩm là khúc ca trữ tình nồng nàn, đắm say về những lẽ sống lớn, ân tình lớn của con người cách mạng.
– Phong vị dân gian là một đặc điểm nổi bật của bài thơ, được thể hiện xuất sắc trong đoạn thơ sau:
“Ta với mình, mình với ta
……
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”
b) Thân bài
*Phân tích khái quát đoạn thơ
– Khẳng định tình nghĩa
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu.
Câu thơ “Ta với mình/mình với ta” ngắt nhịp 3/3, cặp đại từ mình – ta lặp lại, xoắn xuýt để thể hiện sự quấn quýt, gắn bó, không thể chia cắt. Câu thơ tiếp theo với nhịp ngắt 2/2/2/2 chắc khoẻ là lời khẳng định chắc chắn “lòng ta – sau trước – mặn mà – đinh ninh”. Tiếp đó, “Mình đi mình lại nhớ mình” là sự láy lại, là câu trả lời cho sự băn khoăn của người ở lại trong khổ thơ trên, “Mình đi mình có nhớ mình”. Và để cụ thể cho nỗi nhớ ấy, tác giả mượn cách so sánh, cách đo đếm đậm màu sắc dân gian: “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”.
*Tái hiện hình ảnh Việt Bắc trong hồi tưởng
– Nhớ cảnh Việt Bắc thanh bình:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
+ Hình ảnh so sánh “như nhớ người yêu” thể hiện sự gắn bó tha thiết trong tình cảm.
+ Những hình ảnh gợi cảm đầy thi vị: trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương, bếp lửa, rừng nứa, bờ tre,…gợi nhớ những vẻ đẹp nên thơ rất riêng của miền rừng núi.
* Phân tích phong vị dân gian trong đoạn thơ
– Khái niệm phong vị dân gian: Được hiểu là chất dân gian, là màu sắc, hương vị dân gian.
– Phong vị dân gian trong bài thơ Việt Bắc được tạo nên từ cách vận dụng nhuần nhuyễn những yếu tố nghệ thuật quen thuộc của văn học dân gian. Đoạn trích nêu trên thể hiện rất rõ phong vị dân gian đó.
+ Biểu hiện 1: Kết cấu đối đáp trong khung cảnh chia tay đầy lưu luyến – đây là một mô-típ quen thuộc trong ca dao, dân ca.
+ Biểu hiện 2: Những từ “mình” “ta” và cấu trúc lời hỏi, lời đáp đối ứng, gợi nhớ đến những câu ca dao về tình cảm lứa đôi.
+ Biểu hiện 3: Nhiều hình ảnh ước lệ quen thuộc của ca dao, dân ca được Tố Hữu sử dụng rất thích hợp với khung cảnh và tâm trạng trong bài thơ như “Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”, “nhớ gì như nhớ người yêu”…
+ Biểu hiện 4: Phong vị ấy còn thể hiện ở âm điệu thiết tha, quyến luyến như những lời ru trong ca dao, dân ca.
+ Biểu hiện 5: Không chỉ dừng ở những yếu tố hình thức, phong vị ca dao, dân ca của bài Việt Bắc nói chung, đoạn trích nói riêng còn thấm sâu trong nội dung tư tưởng – cảm xúc. Đó là sự trân trọng, thiết tha với mọi nghĩa tình, ân tình, đề cao đạo lí thuỷ chung, son sắt vốn là những quan niệm đạo lí và cách sống đã thành truyền thống của dân tộc và được thể hiện sâu đậm trong ca dao, dân ca.
c) Kết bài
Nhờ thấm đượm phong vị ca dao dân ca mà bài thơ nói chung, đoạn trích nói riêng đã có được sự hoà quyện, thống nhất giữa nội dung mang tính cách mạng với truyền thống tinh thần và thẩm mĩ của dân tộc, làm cho tư tưởng, tình cảm, hiện thực của thời đại nhập vào nguồn mạch dân tộc một cách tự nhiên.
Xem thêm Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 2 tại đây