Đề 76: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương’’ của Nguyễn Dữ – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đề 76: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương’’ của Nguyễn Dữ – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Hướng dẫn

Phân tích nhân vật Vũ Nương

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu tác giả: Nguyễn Dữ (chưa rõ năm sinh, năm mất), người huyện Trường Tân, nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sống ở thế kỉ XVI, là thời kì triều đình nhà Lê đã bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trịnh tranh giành quyền binh, gây ra các cuộc nội chiến kéo dài. Ông học rộng, tài cao nhưng chỉ làm quan có một năm rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ già và viết sách, sống ẩn dật như nhiều trí thức đương thời khác.

– Giới thiệu tác phẩm: Chuyện người con gái Nam Xương nằm trong tác phẩm gồm 20 truyện mang tên Truyền kì mạn lục (ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền).

– Trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, nhân vật Vũ Nương nổi bật lên với những phẩm chất đáng quý của một người phụ nữ Việt Nam.

II. THÂN BÀI

– Tóm tắt: Vũ Thị Thiết (còn gọi là Vũ Nương) là một người con gái thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp có chồng là Trương Sinh – một người vô học và có tính hay ghen. Trương Sinh đầu quân đi đánh giặc. Ít lâu sau, Vũ Nương có mang và sinh ra một đứa con trai đặt tên là Đản. Ở nhà, Vũ Nương hết mực yêu thương mẹ chồng và con, nhưng vì quá nhớ thương con trai nên người mẹ chồng lâm bệnh mà qua đời mặc dù Vũ Nương đã hết lòng chăm sóc. Trương Sinh trở về, đứa con nhất mực không gọi là cha vì cha cậu bé buổi tối mới đến, không nói, không bế Đản, chỉ đi theo mẹ. Với thói hay ghen tuông, Trương Sinh nghi ngờ vợ thất tiết nên buông lời mắng nhiếc và đuổi nàng đi, nàng kêu oan không được đành gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Một đêm, khi thấy bóng cha trên tường, bé Đản nói cha lại đến, bấy giờ Trương Sinh mới vỡ lẽ ra thì lúc đó tất cả đã quá muộn màng. Vì thương nhớ chồng con mà Vũ Nương đã nhờ đến Phan Lang – người cùng làng với Trương Sinh, nói lại với chồng mình lập đàn giải oan cho nàng. Nhưng khi Trương Sinh đã lập đàn bên sông, Vũ Nương chỉ hiện về trong chốc lát rồi biến mất.

A. Vũ Nương nơi trần thế

a) Phẩm chất, đức hạnh.

– Vũ Nương là một người vợ thủy chung son sắt và hết mực yêu thương chồng của mình, là một người mẹ hiền, dâu thảo, là người có tư dung tốt đẹp.

– Vũ Nương đẹp về tâm hồn và phẩm chất, được thể hiện trong các mối quan hệ:

+ Với chồng: giữ gìn khuôn phép, chung thuỷ khi chồng đi lính, khát vọng hạnh phúc gia đình giản dị, bình yên.

+ Với mẹ chồng: hiếu thảo, chăm sóc mẹ chồng tận tâm khi ốm đau, xót thương khi mẹ chồng mất.

+ Với con: yêu thương con, nuôi con một mình khi chồng đi lính.

– Vũ Nương tiêu biểu cho phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến.

– Vũ Nương là một người phụ nữ bất hạnh.

b) Nỗi oan khuất của nàng

– Vì lời nói của con trẻ mà nàng mắc phải nỗi oan khuất. Trương Sinh nghi ngờ sự thất tiết của nàng qua lời nói của bé Đản. Lễ giáo hà khắc của phong kiến không chấp nhận một người phụ nữ như vậy.

Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân

– Vũ Nương kêu oan nhưng vô ích.

– Nàng trầm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn để khẳng định tấm lòng son sắt của mình.

B. Vũ Nương nơi thủy cung

– Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa; Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi tiệc yến và gặp Vũ Nương, người cùng làng đã chết, rồi được sứ giả của Linh Phi rẽ nước đưa về dương thế; hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang đầy lung linh, huyền ảo,… sự xuất hiện của nàng lúc ẩn, lúc hiện rồi biến mất hẳn.

– Chi tiết kết thúc tác phẩm: hoàn thiện tính cách của Vũ Nương là một người phụ nữ vô tội và xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc với phẩm chất vốn có của mình. Dù bây giờ nàng đã là người của thế giới khác nhưng trong tâm hồn nàng vẫn còn nặng tình với chồng, con, với những kỉ niệm, hạnh phúc gia đình. Điều đó cũng tạo nên một kết thúc có hậu cho câu chuyện. Ngoài ra, cái kết thúc còn thể hiện được ước mơ của con người về sự công bằng, cái thiện sẽ được gặp lành, hạnh phúc sẽ đến với những con người biết sống theo cái thiện, đặc biệt là người phụ nữ.

– Ý nghĩa của những chi tiết kì ảo: bắt buộc phải có của loại truyện truyền kì tạo được sự hấp dẫn, sinh động cho câu chuyện. Ngoài ra, các yếu tố kì ảo, hoang đường còn góp phần tăng thêm tính hiện thực và nhân văn cho tác phẩm.

• GIÁ TRỊ HIỆN THỰC VÀ GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO

A. Giá trị hiện thực

Nỗi oan của Vũ Nương là nỗi oan chung của bao người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Cuộc đời họ gặp bao nhiêu chuyện nghi ngờ, oan uổng nhưng họ nói nào có ai nghe, nên đành phải sống trong câm lặng với nỗi dằn vặt, oan uổng => Cuộc đời người phụ nữ thật đắng cay.

B. Giá trị nhân đạo

– Tác giả đã hết lời ca ngợi vẻ đẹp của con người qua vẻ đẹp của Vũ Nương – một phụ nữ bình dân.

– Nguyễn Dữ trân trọng vẻ đẹp của Vũ Nương bao nhiêu thì càng đau đớn trước bi kịch cuộc đời của nàng bấy nhiêu.

– Nguyễn Dữ với tấm lòng yêu thương con người sâu sắc, ông không để cho số phận một con người trong sáng, cao đẹp như Vũ Nương chịu cảnh oan khuất.

– Nguyễn Dữ lên án gay gắt những thế lực tàn bạo của xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của con người.

III. KẾT BÀI

– Qua cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương đã thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.

– Tác phẩm là một áng văn hay, thành công về nghệ thuật dựng truyện, miêu tả nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Những cuộc chiến tranh vô nghĩa giữa các phe phái phong kiến ở thế kỷ XVI đã đẩy bao số phận, bao con người, bao gia đình vào cảnh éo le, đau thương, tan nát. Thấu hiểu tận lòng nỗi khổ ấy, Nguyễn Dữ đã viết về họ, đặc biệt là người phụ nữ với tấm lòng yêu thương và sự cảm thông sâu sắc. Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” trích trong Truyền kì mạn lục ta bắt gặp những gửi gắm đầy nhân văn của tác giả và hình ảnh thân phận bị chà đạp của người phụ nữ ở thời kì phong kiến.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”

Như chúng ta đã biết “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã làm xúc động bao thế hệ bạn đọc bởi những phẩm chất cao quý nhưng cuộc đời lại đầy oan trái của một người con gái. Vũ Nương chính là nhân vật trung tâm của câu chuyện, nàng nổi bật với những nét phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam đảm đang, tháo vát, chung thuỷ và khát khao hạnh phúc gia đình. Nhưng cái xã hội nam quyền khắt khe đã đẩy cuộc đời nàng đến cảnh trái ngang, oan uất đầy bất hạnh.

Mặc dù sống trong xã hội phong kiến nhưng Vũ Nương luôn biết hy sinh cái của riêng mình để đạt được cái lớn lao hơn đó chính là một gia đình êm ấm, hòa thuận. Sau khi tiễn chồng đi bằng những lời mặn nồng, tha thiết, Vũ Nương ở nhà sinh con và nuôi con một mình, nàng cũng hết mình chăm sóc, phụng dưỡng mẹ chồng, thuốc thang lễ bái và chôn cất mẹ chồng chu đáo khi mẹ chồng qua đời như đứa con đẻ không so bì, phân tính thiệt hơn.

Trong mối quan hệ gia đình Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép, ăn nói có chừng mực, cho dù năm tháng xa cách, nàng vẫn luôn giữ mình, giá sạch tiết trong. Bởi thế, khi bị Trương Sinh nghi ngờ Vũ Nương phụ bạc mình. Vũ Nương chỉ biết một mực kêu oan, cuối cùng nàng đã đến bến Hoàng Giang tự vẫn. Nhưng trước đó, Trương Sinh đâu biết “người đàn ông” mà cậu bé Đản nói thật ra chỉ là cái bóng của chính Vũ Nương. Nguyễn Dữ đã thật tài tình khi xây dựng tình huống đầy éo le, kịch tính, tạo sự hồi hộp cho độc giả. Liệu Vũ Nương có được cứu thoát khỏi cuộc sống đau khổ như hiện tại hay không? Liệu nàng có giải oan được cho mình hay không?

Chúng ta biết khi Vũ Nương tự vẫn thì đã được Linh Phi cứu và hứa sẽ giúp cho nàng giải oan. Để giúp cho Vũ Nương giải oan, tác giả Nguyễn Dữ dã xây dựng nên một thế giới huyền ảo, một cây cầu nối hai bờ hư thực để nhân vật Phan Lang gặp lại và trò chuyện với Vũ Nương nơi chốn thuỷ cung. Vì còn lòng yêu thương Trương Sinh nên nàng đã nhờ Phan Lang nói cho Trương Sinh biết nếu muốn gặp lại nàng thì hãy lập đàn giải oan bên sông và kêu Phan Lang đưa kỷ vật của nàng cho Trương Sinh. Khi trở về nhân gian, Phan Lang đã làm đúng theo như những gì Vũ Nương đã nói. Trương Sinh vốn đa nghi nên đã không tin nhưng khi thấy kỉ vật là cây trâm của Vũ Nương thì Trương Sinh đã làm theo lời Phan Lang nói. Trương Sinh lập đàn giải oan bên bờ sông thì ngay lập tức Vũ Nương hiện lên trên bờ sông ngồi trên chiếc kiệu hoa và theo sau có năm mươi chiếc xe cơ tán, võng lọng và rực rỡ lúc ẩn lúc hiện. Vũ Nương chỉ nói một câu duy nhất: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng thiếp chẳng thể trở về trần gian được nữa”. Biết bao ý tình nhà văn Nguyễn Dữ đã gửi gắm vào sự trở về chốc lát của Vũ Nương. Đó là sự trở về để khẳng định sự chung thuỷ, tình yêu thương, là món quà dành cho người biết hối lỗi như Trương Sinh. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, chốc lát vì con người đã ra đi mãi mãi không thể trở về, cũng như hạnh phúc một khi đã để tuột mất thật khó để lấy lại. Trương Sinh vì ghen tuông mù quáng nên đã đánh mất người vợ của mình.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 9: Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

Từ những phân tích trên, chúng ta thấy cuộc đời của Vũ Nương chẳng khác nào cánh bèo trôi nổi giữa dòng đời. Nàng đã bị đẩy vào tình huống dù giải thích thế nào chồng cũng không tin, nàng chỉ còn biết than khóc với trời xanh, sông rộng: “Kẻ bạc này duyên, phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài hãy chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm Mị Nương, xuống đất xin làm Ngu Mĩ.

Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Lời thề của Vũ Nương vừa thể hiện niềm đau đớn khôn nguôi, vừa khẳng định tấm lòng trinh bạch của nàng. Tác giả đã sử dụng kết hợp các điển tích, điển cố “Ngọc Mị Nương, cỏ Ngu Mĩ’ như lối so sánh ngầm. Tấm lòng của Vũ Thị Thiết sáng trong muôn đời. Lòng tự trọng bị xúc phạm nặng nề và để minh oan cho sự trong sáng của mình, Vũ Nương đã “gieo mình xuống sông mà chết”. Cái chết của Vũ Nương khiến người đọc hiểu thêm về số phận bi thảm của người phụ nữ xưa. Hạnh phúc của người phụ nữ sống trong thời kì phong kiến thật mỏng manh.

Nói tóm lại, sự ra đi của Vũ Nương đáng thương biết bao để lại trong lòng người đọc bao niềm cảm thương, ngậm ngùi. Nhưng có lẽ đây là cách tốt nhất của tác giả để giải thoát cho số phận đau thương, để cho Vũ Nương sống dưới thuỷ cung mới có thể tìm được hạnh phúc chính đáng và chốn nương thân che chở cho mình. Ngòi bút của Nguyễn Dữ đã mạnh dạn đưa ra những lời tố cáo và phê phán xã hội và nêu lên những nét đẹp về phẩm chất cho người đương thời và mãi mãi về sau khâm phục, nâng niu và trân trọng.

(Bài làm của HS)

>> Xem thêm Đề 77: Phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng” của Kim Lân tại đây.

Tags:Chuyện người con gái Nam Xương · Đề 76 · Văn chọn lọc 9 · Vũ Nương

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *