Đề 78: : Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Phân tích nhân vật Phương Định
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
– Giới thiệu tác giả: Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Mĩ, gia nhập thanh niên xung phong và bắt đầu viết văn vào đầu những năm 70. Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên về truyện ngắn. Trong những năm chiến tranh, truyện của Lê Minh Khuê viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn. Sau năm 1975, tác phẩm của nhà văn bám sát những biến chuyển của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
– Giới thiệu tác phẩm: Truyện Những ngôi sao xa xôi ở trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chổng Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt..
– Trong tác phẩm Những ngôi sau xa xôi, tác giả Lê Minh Khuê đã thể hiện một cách nổi bật tinh thần dũng cảm của những cô gái thanh niên xung phong mà tiêu biểu là nhân vật Phương Định.
II. THÂN BÀI
– Tóm tắt:Truyện kể về nhóm nữ trinh sát mặt đường gồm Thao, Nho và Phương Định. Công việc của họ cực kì nguy hiểm và có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Đó là quan sát máy bay thả bom của giặc, đo đất đá, san lấp hố bom, kiểm tra những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm là thế nhưng họ vẫn luôn yêu đời, hồn nhiên, thích ca hát. tâm hồn thơ mộng, đặc biệt là nhân vật Phương Định. Họ luôn gắn bó, yêu thương nhau như chị em dù cho tính nết mỗi người mỗi khác. Cơn mưa đá ở cuối truyện để lại trong lòng Phương Định bao xuyến xao, hoài niệm.
– Giới thiệu về Phương Định:
+ Là một thiếu nữ sống ở thủ đô, vào chiến trường Trường Sơn được ba năm và trở thành chiến sĩ rất dày dặn.
+ Cô có hình thức bên ngoài là một cô gái đẹp với hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn và một đôi mắt mà các anh chiến sĩ lái xe thường bảo rằng: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”.
+ Phương Định thích làm đẹp, thích ngắm mình trong gương nhưng tính tình thì tế nhị, kín dáo. Gặp các anh bộ đội, các cô gái thanh niên xung phong khác thường xúm nhau lại đối đáp với các anh rất vui vẻ nhưng riêng Phưong Định thì khác. Cô thường đứng ra xa, khoanh tay trước ngực và quay mặt đi nơi khác trong lúc đôi môi mím chặt, trông cô có vẻ kiêu kỳ nhưng thật ra cô chỉ làm điệu thế thôi vì người cô yêu mến và cảm phục chính là những người chiến sĩ ấy.
+ Phương Định rất thích hát, mê hát, lại hát rất hay. Cô có biệt tài bịa ra lời bài hát, nhiều lời hát rất ngớ ngẩn, vui vẻ làm ca tổ cười vang, thích thú.
1.Tính cách 1: Là một cô gái thanh niên xung phong có tinh thần trách nhiệm cao, chiến đấu dũng cảm, không sợ cái chết.
– Thể hiện qua lần Phương Định phá bom: Cô dùng một cái xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom, âm thanh vang lên sắc đến gai người. Trong khi Phương Định đào đất, quả bom nóng. Không sợ. Cô tiếp tục công việc. Đó là nối sợi dây mìn đến với quả bom rồi phát lửa. Chờ mìn nổ, quả bom nổ. Phương Định phải tính toán nếu mìn không nổ, quả bom không nổ thì làm cách nào để châm mìn lần hai. Công việc rõ ràng là hết sức nguy hiểm “Tôi có nghĩ đến cái chết nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”.
=> Cái chết được xem nhẹ, quan trọng là mình có hoàn thành công việc hay không.
=> Hành động ấy rất dũng cảm, cho thấy Phương Định là một người có tinh thần trách nhiệm, ý chí tiến công để hoàn thành nhiệm vụ.
=> Đó là biểu hiện cùa lòng yêu nước, ở niềm tin cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Tính cách 2: Tinh đồng đội, đồng chí thắm thiết
– Tình cảm thương yêu, sự quan tâm lẫn nhau của các cô gái thanh niên xung phong được biểu hiện bằng những nét rất chân thật, hồn nhiên:
+ Nho sau khi đi san lấp mặt đường trở về, cô đã xuống suối tắm ngay. Nho vừa tắm ở dưới suối lên cứ nguyên quần áo ướt, Nho ngồi và đòi ăn kẹo. Phương Định đưa cho bạn hai cái kẹo chanh dính đầy cát, chảy nước. Cô ngắm nhìn bạn với đôi mắt thương yêu, cứ muốn bế bạn trên tay. Phương Định cảm nhận về bạn rất gần gũi, chỉ có cái nhìn yêu thương, gắn bó, Phương Định mới cảm thấy Nho: “Trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”.
+ Khi Nho bị thương, cả chị Thao lẫn Phương Định đều hốt hoảng, lo lắng. Chị Thao vấp ngã vì vội vàng chạy đến với Nho, đôi mắt chị mờ trắng đi như không còn sự sống vì chỉ nghĩ tới Nho với quả bom vừa mới nổ và hầm của Nho bị sập.
+ Người đọc xúc động khi thấy chị Thao nghẹn ngào trong nước mắt, theo dõi Phương Định moi đất, bế Nho lên, từ cánh tay của Nho, máu túa ra ngấm vào đất.
+ Phương Định đã nhanh chóng đun nước sôi trên bếp than để rửa vết thương cho Nho. Máu ra nhiều, Nho bị choáng. Phương Định đã dùng bông băng trắng đế băng vết thương rồi tiêm thuốc cho Nho cẩn thận. Trông cô làm, săn sóc cho bạn không khác một y sĩ thành thạo với tấm lòng nhân ái vì bệnh nhân.
+ Phương Định còn pha sữa cho Nho uống lấy lại sức, pha đúng theo lời chị Thao dặn: “Pha đặc và cho nhiều đường vào”.
+ Khi cơn mưa đá đổ xuống thì những viên đá đầu tiên mà Phương Định nhặt ở cửa hang chính là dành cho Nho, dành cho người bạn, người đồng đội đang chịu những đau đớn và thiệt thòi: Sự quan tâm của Phương Định đã làm cho Nho thích thú, môi cô hé mở: “Mày cho tao mấy viên nữa”.
=> Lúc Nho bị thương và lúc sự sống và cái chết gần kề, tình đồng đội càng trở nên thắm thiết hơn.
3.Tính cách 3: Một cô gái nhiều mộng mơ, tâm hồn trong sáng, lãng mạn, rất đáng yêu
– Cơn mưa đá đột ngột đến trên cao điểm và cũng bất ngờ đem đến cho Phương Định những hồi ức về những ngày sống thanh bình, yên ả trong một căn gác giữa lòng Hà Nội…
– Cơn mưa đá đến đồng thời cũng đem đến những đợt sóng lòng êm dịu trong Phương Định. Kỉ niệm cũ ùa về. Hình ảnh người mẹ thương yêu. Chiếc cửa sổ bên căn gác. Ánh đèn điện lấp lánh phản chiếu trên con đường nhựa ướt nước mưa trong như những con sông đen… Rồi hình ảnh về Hà Nội với những sinh hoạt trong khu phố hiện về rất rõ: Bà bán kem đẩy chiếc xe kem với đám trẻ con bâu quanh. Tiếng rao của bà bán xôi buổi sáng với cái mủng xôi đội trên đầu. Tiếng trẻ con đùa nghịch trên đường phố với những cú sút bóng ầm ĩ… Những hình ảnh và âm thanh quen thuộc ấy theo cơn mưa trở về với Phương Định giữa lúc Phương Định đang ở trên một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn đầy máu lửa.
=> Quả là những giờ phút lãng mạn, rất đẹp của Phương Định. Tâm hồn của Phương Định phải rất nhạy cảm, phong phú, giàu tình yêu thương.
4. Đánh giá khái quát
– Về nội dung, ý nghĩa: Qua nhân vật Phương Định, người đọc hình dung rõ nét, cụ thể hơn về những thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Đó là những con người: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu)…
– Về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Về phương thức trần thuật: truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính.
+ Một nét đặc sắc là nghệ thuật xây dựng nhân vật, chủ yểu là miêu tả tâm lí.
+ Ngôn ngữ và giọng điệu: ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện – cô gái thanh niên xung phong người Hà Nội – tạo cho tác phẩm có giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên, gần với khẩu ngữ, trẻ trung và có chất nữ tính.
+ Lời kể thường dùng những câu ngắn, nhịp nhanh, tạo được không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến trường, ở những đoạn hồi tường, nhịp kể chậm lại, gợi nhớ những kỉ niệm của tuổi niên thiếu hồn nhiên, vô tư và không khí thanh bình trước chiến tranh.
III. KẾT BÀI
– Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.
– Đó chính là hình ảnh đẹp, tiêu biểu về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời ki kháng chiến chống Mĩ.
– Truyện sử dụng vai kể là nhân vật chính, có cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động, trẻ trung và đặc biệt thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.
BÀI VĂN THAM KHẢO
BÀI VĂN 1
“Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh
Tiếng hát ai vang động cây rừng
Phải chăng em cô gái mở đường?
Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát ”
(Trích bài hát “Cô gái mở đường” – Xuân Giao)
Vào giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, nước ta đã có rất nhiều vị anh hùng đứng lên để bảo vệ bờ cõi quê hương. Bên cạnh những chú bộ đội cụ Hồ ngày đêm kháng chiến chống giặc thì ta không thể nào không nhắc đến những cô gái thanh niên xung phong quả cảm, gan dạ cũng là một phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Hình ảnh của những nữ thanh niên ấy đã được mang vào nhiều bài thơ của các tác giả khác nhau. Nhưng có lẽ không ai viết về họ một cách am hiểu và sâu sắc như Lê Minh Khuê qua tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”. Trong đó, truyện đã cho ta hiểu rõ hơn phần nào về nét đẹp trong sáng hồn nhiên của Phương Định.
Phương Định là một cô gái trẻ, độ khoảng hai mươi. Từ thuở còn thơ, cô đã được sống trong vòng tay ấm áp của cha mẹ mình. Rồi khi cô lớn lên tham gia vào tổ trinh sát ở nơi chiến khu. Nhiệm vụ của cô quan sát địch ném bom và đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ. Nguy hiểm hơn là việc phải kích nổ những trái chưa nổ để cho quân ta có thể vận chuyển lương thực. Từ những công việc khó khăn và muôn trùng trắc trở đó đã cho ta thấy ít nhiều về phẩm chất cao quý của Phương Định.
Đa phần con gái thường chú trọng về vẻ bề ngoài của mình và cô cũng thế. Cô đã tự đánh giá về bản thân rằng: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn thì tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như hoa loa kèn”. Còn về đôi mắt thì cô được các anh lính nhận xét rằng “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Vì thế cô rất thích ngắm đôi mắt mình trong gương “nó dài dài, màu nâu hay nheo lại như chói nắng”. Và cô cũng biết rằng mình được các anh lính để ý và có tình cảm. Cô rất vui mừng vì điều đó, nhưng cô lại không thể biểu lộ tình cảm của mình. Cô luôn kín đáo trước những đám đông. Trong khi các cô gái khác vây quanh bên các anh bộ đội thì cô lại đi ra nơi khác, khoanh tay trước ngực nhìn thật là xa, tưởng như kiêu kì. Nhưng trong suy nghĩ của cô, những người đội nón có ngôi sao luôn là những người đáng cảm phục nhất vì cô rất hâm mộ họ. Rõ ràng những chi tiết trên đã cho ta thấy được sự hồn nhiên trong sáng của Phương Định. Tuy rằng cô hay mơ mộng nhưng cô cũng là một thiếu nữ đầy lòng gan dạ. Mặc dù mỗi ngày công việc nguy hiểm của cô phải làm diễn ra đến bốn năm lần. Nhưng cô vẫn luôn cố gắng thực hiện tốt. Vì trong thâm tâm cô luôn nghĩ rằng đây chỉ là một công việc nhỏ của mình để giúp cho đồng bào và các anh bộ đội có thể đẩy lùi giặc Mĩ và giải phóng đất nước.
Bên cạnh đó, cô cũng là một người rất yêu ca hát và thường hay suy nghĩ về tương lai. Thường thì khi một giai điệu nào đó vang lên, cô thuộc nhanh giai điệu đó rồi bịa lời để hát. Lời hát lộn xộn và đầy ngớ ngẩn. Đôi lúc còn khiến cho cô và cả đại đội đều phải bật cười. Vào những đêm mưa cô thường hay ôm gối và mơ mộng. Nên khi có một trận mưa đó ở chiến khu đã làm cô vui mừng khôn xiết – cô đã vội reo lên khi mưa xuống: “Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá”. Và tiếc thẫn thờ khi cơn mưa đã đi qua. Một chút bồi hồi nhớ thương về người mẹ tần tảo hôm nào lại thoáng qua trong cô. Những giây phút mộng mị ấy đã đủ để cho ta biết tâm hồn của cô đáng yêu đến nhường nào.
Đội trinh sát của Phương Định có ba người – cô lớn hơn cô là chị Thao, nhỏ hơn thì có em Nho. Cô luôn dành tình yêu thương cho đồng đội của mình. Điều đó được thể hiện qua chi tiết cô đã hoảng hốt và lo lắng khi đang túc trực điện thoại khi chị Thao và Nho đi phá bom vẫn chưa về. Lòng cô bồn chồn khi đợi mãi mà chưa thấy họ về. Qua đó ta đã thấy được tấm lòng cao quí mà cô đã dành cho đồng đội mình. Phương Định là một hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam ở giai đoạn kháng chiến chống Mĩ. Truyện đã được tác giả sử dụng ngôi kể thứ nhất để làm tăng tính hấp dẫn cho bài. Tác giả đã thành công trong việc khắc hoạ tâm lý nhân vật Phương Định. Qua văn bản, ta đã hiểu thêm về sự hồn nhiên và ngây thơ trong tâm hồn của người con gái thanh niên xung phong tên là Phương Định.
Khi gấp trang sách lại, hình ảnh về nữ anh hùng xung phong – Phương Định vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi. Qua những đặc điểm của cô đã tiếp thêm cho tôi nguồn động lực để rèn luyện bản thân. Tôi xin hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để góp phần cống hiến cho sự phát triển đất nước như Phương định đã làm.
(Bài làm của HS)
BÀI VĂN 2
“Những ngôi sao xa xôi” là một trong số những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết vào năm 1971. Lúc cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước diễn ra ác liệt. Trong truyện có nhân vật Phương Định là nhân vật tiêu biểu cho lớp thanh niên xung phong Việt Nam. Đó là một cô gái hồn nhiên nhưng rất dũng cảm, gan dạ – một cô gái thanh niên xung phong trẻ trung, hay mơ mộng. Qua đó, ta thấy được phần nào những nét đẹp cùa Phương Định và thấy được sự nổi bật của câu chuyện. Để hiểu rõ hơn những nét đẹp đó của Phương Định, chúng ta hãy cùng nhau bước vào phần phân tích.
Truyện kể về nhóm nữ trinh sát mặt đường gồm Thao, Nho và Phương Định. Công việc của họ cực kì nguy hiểm và có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Đó là quan sát máy bay thả bom của giặc, đo đất đá, san lấp hố bom, kiểm tra những quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc nguy hiểm là thế nhưng họ vẫn luôn yêu đời, hồn nhiên, thích ca hát, tâm hồn thơ mộng, đặc biệt là nhân vật Phương Định. Họ luôn gắn bó, yêu thương nhau như chị em dù cho tính nết mồi người mỗi khác. Cơn mưa đá ở cuối truyện để lại trong lòng Phương Định bao xuyến xao, hoài niệm.
Cũng như bao cô gái mới lớn khác, Phương Định rất nhạy cảm và hay quan tâm đến ngoại hình của mình. Cô tự đánh giá về mình: “Tôi là cô gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn tôi là một cô gái khá. Có hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như hoa loa kèn”. Còn đôi mắt của cô được các anh lính lái xe nhận xét: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Cô biết mình được nhiều người nhất là các anh lính lái xe để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô vui và tự hào. Nhưng cô không hay biểu lộ tình cảm của mình, cô luôn kín đáo giữa đám đông. Trong khi các cô gái khác vây quanh các anh bộ đội còn cô thì: “thường đứng ra xa khoanh tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt, tưởng như kiêu kì”. Nhưng thật ra trong suy nghĩ của cô những người đẹp nhất, thông minh, can đảm, cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ. Và cô còn dành tình yêu, niềm cảm phục cho những ngưòi lính chiến sĩ hằng đêm cô gặp trên trận địa.
Bên cạnh đó Phương Định còn là một cô gái hồn nhiên, trong sáng và có nhiều ước mơ về tương lai. Cô hay mơ mộng và rất thích hát. Thường cứ thuộc điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời bài hát. Lời bài hát đôi lúc lộn xộn, ngớ ngẩn đến cô cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình. Cô thích ngồi bó gối mơ màng và thường nhớ về kỉ niệm bên mẹ và gia đình, đặc biệt qua một trận mưa đá, ta cảm nhận được sự hồn nhiên của cô. Cô reo lên vui mừng khi phát hiện mưa đá: “Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá!…” và cô tiếc thẫn thờ khi mưa tạnh và cảm thấy nhớ “nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”.
Dù mơ mộng hồn nhiên nhưng Phương Định vẫn là một cô gái rất gan dạ, dũng cảm có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Điều đó thể hiện qua một lần phá bom. Mặc dù đã quen với công việc nguy hiểm này, thậm chí một ngày có thê phá bom đến bốn, năm lần nhưng mỗi lần vẫn là một thử thách thần kinh đến từng cảm giác và ý nghĩ. Từ khung cảnh và không khí chứa đầy sự căng thẳng: “Vắng lặng đến phát sợ, cây xơ xác, đất nóng khi đen dật dờ trong không trung…”. Đến cảm giác “Cảm thấy có ánh mắt của các anh chiến sĩ dõi theo mình nên cô sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Đến lúc ở bên quả bom đào, xới với những cảm giác hồi hộp, căng thẳng và thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt. Cô rùng mình và bỗng nhận ra sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí, vỏ quả bom nóng lên, một dấu hiệu chẳng lành.” Trọng lúc chờ bom nổ, cô có thoáng nghĩ đến cái chết nhưng là một cái chết mờ nhạt. Cô không sợ hi sinh mà chỉ sợ bom không nổ vì nếu như vậy sẽ không thông đường cho đoàn xe ra trận được.
Còn đối với công việc và đồng đội, cô càng gắn bó với công việc bao nhiêu, cô càng yêu đồng đội đồng chí bấy nhiêu. Cô nhận xét đồng đội của mình một cách tinh tế. Nho: “mát mẻ như một que kem trắng, chị Thao: “cương quyết bạo nhưng khi nhìn thấy máu, thấy vắt thì nhắm mắt lại mặt tái mét”. Và tình cảm đó được thể hiện qua một lần Nho bị thương vì bị sập hầm. Cô “moi đất, bế Nho đặt lên đùi, chăm sóc vết thương và tiêm thuốc cho Nho”.
Ta còn thấy được các đặc điểm riêng của hai người bạn của Phương Định. Nho là một cô gái cũng như Phương Định rất hồn nhiên, lạc quan, mơ mộng nhưng có một điều khác là Nho rất thích ăn kẹo. Chị Thao là một người chị trong tổ trinh sát rất cương quyết và gan dạ, luôn quan tâm, yêu thương đồng đội của mình như Phương Định,
Qua đó, có thể thấy Phương Định là một hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước ác liệt. Cùng với cô là tính cách của sự hồn nhiên, lạc quan, dũng cảm và gan dạ, không sợ hi sinh vì tương lai tươi sáng của đất nước…Qua Phương Định, ta cảm nhận sự oai hùng của dân tộc và cuộc chiến đấu đầy ác liệt và gian khổ. Chúng ta phải cảm phục, tự hào và noi gương lớp lớp người đi trước.
Góp phần xây dựng thành công cho câu chuyện, tác giả đã sử dụng ngôi kể thứ nhất, người kể cũng chính là nhân vật chính. Nghệ thuật miêu tả tâm lí, sinh động thể hiện được thế giới nội tâm phong phú của các nhân vật trong truyện.
Gấp trang sách lại nhưng hình ảnh Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê cứ lung linh trong tâm trí chúng ta. Nó khiến ta bồi hồi, xúc động, họ – những cô gái thanh niên xung phong cho ta thấy được một bức tranh thời chiến tranh thật đáng tự hào và cảm phục biết bao dân tộc Việt Nam anh hùng. Chúng ta hiện giờ tuy vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng cần phải luôn luôn nỗ lực, ra sức học tập, rèn luyện đạo đức thật tốt để trở thành những người chủ của đất nước trong tương lai.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 79: Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ ” của tác giả Thanh Hải tại đây.
Tags:Lê Minh Khuê · Những ngôi sao xa xôi · Phương Định
Theo hoctotnguvan.vn